Tại Chỉ thị 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc; Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua và ban hành Luật này tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý 4/2023 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác
Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2 năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý doanh nghiệp, đổi mới quản lý của chủ sở hữu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của Ủy ban cũng như doanh nghiệp và gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo kịp tốc độ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; thay đổi mô hình kinh doanh của nền kinh tế toàn cầu, xu thế phát triển trên thế giới. Nghiên cứu cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian nhất định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm 2023.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,…; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm 2023.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chủ động tìm kiếm và triển khai các dự án mới để đầu tư, đặc biệt là các dự án liên quan đến giao thông, năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu,…
Các bộ, cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 12/CT-TTg trong tháng 12 năm 2023.