Theo số liệu tại Sách Trắng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc, tăng từ 08 tỷ USD năm 2020 lên 16,4 tỷ USD năm 2022. Với khả năng tăng trưởng 35%/năm, quy mô thị trường dự kiến đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2023 và 57 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện khoảng 60% dân số tham gia mua sắm, tương đương 57 – 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
HIỆU QUẢ BẤT NGỜ SAU KHI NẮM THÔNG TIN TỪ 357 SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Giới chuyên gia cho rằng hoạt động thương mại điện tử làm thay đổi hoàn toàn phương thức mua sắm truyền thống. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại quốc gia sở tại.
Tuy nhiên, nhà cung cấp ở nước ngoài thường chậm trễ hoặc gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ thuế trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại quốc gia sở tại.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều cá nhân, hộ kinh doanh kiếm thu nhập “khủng” từ các nền tảng như: Youtube, Google, Facebook… hay trên các sàn thương mại điện tử.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử và nền tảng số cũng đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác quản lý thuế.
Theo phản ánh, cơ quan thuế các địa phương gặp khó khăn khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Với nhiều đổi mới trong công tác quản lý thuế, năm 2023, số thu ngân sách trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số lại tăng mạnh và đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành thuế Việt Nam được Tổng cục Thuế bình chọn.
“Trong năm 2023, số thu từ thương mại điện tử đối với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt 536,5 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, với số tiền khoảng 275 tỷ đồng”.
Tổng cục Thuế.
Theo đó, sau gần 1 năm vận hành “Cổng dữ liệu thông tin Thương mại điện tử” (ngày 15/12/2022), tính đến cuối năm 2023, cơ quan thuế đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin.
Theo quy định, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Điều này có nghĩa là sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin, xuất hóa đơn trên sàn thương mại điện tử cho cơ quan chức năng nhưng không có nghĩa vụ nộp thuế thay người bán.
Đáng chú ý, thông tin từ Tổng cục Thuế cung cấp cho thấy hiệu quả từ việc triển khai “Cổng dữ liệu thông tin Thương mại điện tử” khi số thuế kê khai của các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong năm 2023 gia tăng so với cùng kỳ năm 2022.
74 “ÔNG LỚN” TỰ NGUYỆN NỘP THUẾ 7.000 TỶ ĐỒNG
Bên cạnh đó, việc vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế từ qua cổng thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài xuyên biên giới.
Ngành thuế tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và các nhà cung cấp nước ngoài. Thống kê đến nay, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
“Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay”, Tổng cục Thuế nêu rõ.
Số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai nộp thay nhà thầu từ 2018 luỹ kế đến cuối năm 2022 là trên 5.500 tỷ đồng, trung bình khoảng trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Như vậy, từ khi vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (ngày 21/3/2022) đến nay, các nhà cung cấp nước ngoài tự nguyện đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp hơn 10.000 tỷ đồng.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, năm 2024, Tổng cục Thuế tiếp tục hướng dẫn thống nhất việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, để hướng tới quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế, tránh thất thu từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ngành thuế đã triển khai các ứng dụng bản đồ số như bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, bản đồ số các mỏ khoáng sản, bản đồ số hộ kinh doanh.
Riêng bản đồ số hộ kinh doanh đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên ứng dụng Etax Mobile giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn.
Từ đó, cơ quan thuế thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thu-thue-ban-hang-truc-tuyen-gan-540-ty-dong-tren-mot-nghin-chu-the-kinh-doanh-tren-san-bi-xu-phat.htm