Chiều 6/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vất tại Quốc hội liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Quảng Trị, đặt vấn đề phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) có phát sinh tình trạng xin – cho hay không và khi nào có thể bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia và với đại biểu Quốc hội về vấn đề tăng trưởng tín dụng. Qua phân tích, đánh giá, các đại biểu đều thống nhất rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn; tỷ lệ dư nợ trên GDP trên 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, nhu cầu vốn dài hạn của nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, do đó, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 27/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với đầu năm. Điều này phản ánh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp trong bối cảnh khó khăn chung cũng như sự thận trọng của các ngân hàng trong việc cấp tín dụng.
Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và có nhiều hội nghị phát triển thị trường vốn để phát triển phân khúc khác của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn trung và dài hạn. Còn các tổ chức tín dụng chủ yếu cung ứng nguồn vốn ngắn hạn và vốn lưu động.
Thống đốc cho biết, để tránh trường hợp tùy ý trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, hàng năm, Ngân hàng nhà nước đều có định hướng mức tăng trưởng chung. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiến hành xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, có một số tiêu chí khác như tổ chức tín dụng tích cực giảm mặt bằng lãi suất giảm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng yếu kém… sẽ được cộng điểm. Dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm, Ngân hàng Nhà nước tiến hành phân bổ chỉ tiêu cho từng tổ chức.
Đối với vấn đề xử lý ngân hàng yếu kém, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cho rằng vấn đề này còn tiến hành chậm trễ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ nên năng lực cán bộ trong lĩnh vực này còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.
Về câu hỏi liên quan đến tín dụng cho các dự án BOT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn Hưng Yên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhu cầu vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài trong khi tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn. Xem xét trên cơ sở tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn mà cho vay trung và dài hạn ở quy mô vượt quá khả năng kiểm soát, có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tính đến 30/9 đã có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nợ xấu chiếm 3,83%, trong đó, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%, đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 (nợ xấu). Nguyên nhân chủ yếu là nguồn thu các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài, tránh tập trung rủi ro vào hệ thống ngân hàng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ xấu cũng đã liên tục tăng từ mức 1,6% cuối 2022 lên 1,9% cuối quý 1/2023, lên 2,1% cuối quý 2/2023, và lên 2,3% cuối quý 3/2023. Điều này thể hiện sự suy giảm về khả năng trả nợ của người đi vay và sự khó khăn chung của nền kinh tế.