Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda ngày 1/7 khẳng định lại quan điểm sẽ đợi có thêm dữ liệu kinh tế mới đưa ra quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo. Đây là một tín hiệu cho thấy BOJ sẽ không vội có đợt tăng lãi suất tiếp theo.
“Chúng tôi sẽ đợt thêm xem lạm phát như thế nào rồi mới quyết định”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Ueda tại diễn đàn ngân hàng trung ương thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức ở Sintra, Bồ Đào Nha. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ cấp cao nhất của Nhật Bản nói BOJ sẽ theo dõi các yếu tố chính gồm lạm phát căn bản, ảnh hưởng của thuế quan và lạm phát giá thực phẩm, trong đó ông dự báo tốc độ tăng giá thực phẩm sẽ dịu đi.
Những phát biểu này phản ánh trạng thái “chờ xem” của BOJ về chính sách tiền tệ do những bất định mà chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra. Tuần này, ông Trump đã dọa áp thuế quan đối ứng cao hơn lên một số quốc gia trong đó có Nhật Bản, khi thời hạn 90 ngày miễn thuế suất cao hơn của thuế đối ứng sắp hết.
Phát biểu trong một phiên thảo luận cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ông Ueda nói ông muốn tránh đưa ra những bình luận trực tiếp về cuộc đàm phán thương mại Nhật – Mỹ đang diễn ra.
Dữ liệu giá cả mới nhất cho thấy thước đo lạm phát chủ chốt của Nhật Bản thiết lập mức cao mới của 2 năm trong tháng 5 vừa qua. Thước đo này đã giữ ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của BOJ trong hơn 3 năm qua. Ông Ueda đến nay vẫn bảo vệ chủ trương chỉ tăng lãi suất với tốc độ chậm rãi do lạm phát lõi của Nhật – được thúc đẩy bởi vòng xoáy tăng lương-tăng lạm phát – vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu của BOJ.
“Lạm phát toàn phần đang cao hơn 2%, nhưng lạm phát căn bản còn dưới 2%. Tôi muốn cả hai thước đo này đồng quy về mức 2% trước khi tôi rời nhiệm sở” vào tháng 4/2028 – ôn Ueda nói khi được hỏi về mục tiêu của ông trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thống đốc BOJ.
Ông Ueda cũng nói có lẽ ông sẽ không thể hoàn tất việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán của BOJ trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Tháng trước, BOJ đã tuyên bố giảm bớt tốc độ cắt giảm chương trình mua trái chính phủ Nhật Bản do mức độ biến động của thị trường trái phiếu chính phủ nước này đã tăng lên trong thời gian gần đây.
9 thành viên hội đồng của BOJ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của cơ quan này vào ngày 31/7. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg vào tháng trước, khoảng 1/3 chuyên gia được hỏi dự báo BOJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 1/2026, và 1/3 số khác dự báo đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Khuynh hướng trái chiều lãi suất giữa BOJ và Fed – với BOJ chủ trương tiếp tục tăng lãi suất và Fed tiếp tục hạ lãi suất – đang hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng yên Nhật. Ngoài ra, đồng yên còn hưởng lợi từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư toàn cầu dịch chuyển vốn khỏi đồng USD do suy giảm niềm tin vào các tài sản Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá đồng yên so với USD đã tăng 9%. Theo Bloomberg, yếu tố mùa vụ cũng đang ủng hộ cho xu hướng tăng của đồng yên, bởi từ năm 2020 đến nay, tháng 7 năm nào đồng yên cũng tăng giá, với mức tăng bình quân là 2,8%.
Một số nhà đầu tư còn đặt cược rằng đồng yên sẽ tăng giá vì trong đàm phán thương mại Mỹ – Nhật, Washington có thể sẽ gây sức ép đối với Tokyo về vấn đề tỷ giá. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ sử dụng đòn bẩy đã tăng số vị thế ròng đặt cược vào sự tăng giá của yên lên 15.935 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, từ 7.301 của tuần trước đó.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thong-doc-boj-phat-tin-hieu-khong-voi-tang-lai-suat.htm