Đây là động thái gây bất ngờ đầu tiên của Thống đốc Kazuo Ueda kể từ khi trở thành người đứng đầu BOJ, đồng thời làm dấy lên những đồn đoán rằng tiến trình bình thường hoá chính sách tiền tệ đang ở trạng thái siêu lỏng lẻo của Nhật Bản sắp bắt đầu.
TRẦN LỢI SUẤT LINH HOẠT HƠN, LÃI SUẤT NGẮN HẠN VẪN ÂM
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng mạnh sau khi tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của BOJ. Lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng vượt trần 0,5% mà BOJ đề ra. Tỷ giá đồng Yên biến động mạnh, tăng 2% trước khi BOJ ra tuyên bố, giảm hơn 1% sau đó, rồi nối lại xu thế tăng.
BOJ giữ nguyên lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0%, nhưng nói rằng biên độ dao động +/-0,5% giờ đây chỉ còn là một ngưỡng tham khảo thay vì một giới hạn “cứng”, nhằm mục đích làm cho chính sách nới lỏng trở nên linh hoạt hơn. Lãi suất cho vay ngắn hạn được BOJ duy trì ở mức -0,1%.
Sáng 28/7, tỷ giá Yên đã tăng mạnh sau khi tờ báo Nhật Bản Nikkei đưa tin rằng BOJ sẽ thảo luận về việc điều chỉnh chính sách YCC để cho phép lãi suất dài hạn tăng vượt ngưỡng trần. Những đồn đoán về việc BOJ điều chỉnh YCC đã âm ỉ trên thị trường tài chính toàn cầu suốt từ năm ngoái, trong bối cảnh làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn. Giờ đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (BOJ) có vẻ đã tiến gần đến hồi kết của chiến dịch tăng lãi suất, sau đợt tăng diễn ra trong tuần này.
Thống đốc Ueda và các quan chức BOJ có thể sẽ lập luận rằng vẫn chưa có gì chắc chắn rằng lạm phát ở Nhật sẽ đạt mục tiêu 2% một cách bền vững, nên việc tiếp tục trạng thái chính sách tiền tệ nới lỏng – kèm theo định hướng mới của biên độ YCC – là một động thái kỹ thuật nhằm cải thiện sự bền vững của chủ trương kích cầu, thay vì một bước tiến tới bình thường hoá chính sách tiền tệ.
Sự trái chiều giữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản với các nền kinh tế phương Tây xuất phát từ tình hình lạm phát. Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn khác vật lộn với lạm phát, Nhật Bản nhiều thập kỷ qua loay hoay với giảm phát hoặc lạm phát ở mức siêu thấp, khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ. Thông qua chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, BOJ muốn kích lạm phát lên mức 2% một cách bền vững. Hiện nay, lạm phát ở Nhật ở ngưỡng khoảng 3%, nhưng giới chức BOJ lo ngại lạm phát có thể giảm trở lại nếu thắt chặt quá sớm.
“Việc nới biên độ của lợi suất về bản chất chính là tăng lãi suất. Bằng cách này, BOJ tránh được việc chính thức nâng biên độ lên mức 1%”, nhà kinh tế trưởng Nobuyasu Atago của Ichiyoshi Securities nhận định với hãng tin Bloomberg. “Cách làm này khiến thị trường khó cho là BOJ có động thái thắt chặt”, dù thực chất là như vậy.
Trong dự báo mới nhất về lạm phát, BOJ cho rằng lạm phát ở Nhật năm nay sẽ bình quân trên 2%, nhưng có thể suy yếu về dưới mức mục tiêu trong năm tài khoá tới. Dự báo này là một tín hiệu cho thấy BOJ có thể giữ chính sách nới lỏng trong thời gian lâu hơn.
Tuy nhiên, một số nhà tham gia thị trường không cảm thấy bị thuyế phục bởi tín hiệu như vậy. Việc BOJ cam kết mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức lợi suất 1% mỗi ngày thay vì 0,5% được xem như giới hạn mới của lợi suất là 1%, đồng nghĩa tăng gấp đôi biên độ của chính sách YCC. Vào đầu giờ chiều phiên giao dịch tại Tokyo, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt 0,575%.
TỶ GIÁ ĐỒNG YÊN SẼ HƯỞNG LỢI?
“BOJ đã bắt đầu rút khỏi chính sách YCC. Việc nâng biên độ lợi suất lên 1% là một bước đi quyết đoán. BOJ có lẽ đã thấy rằng làm một lần cho xong sẽ dễ hơn là làm từng bước một”, chiến lược gia trưởng Hirofumi Suzuki của Sumimoto Mitsui Banking nhận định.
Một số chuyên gia nhận định rằng có lẽ Thống đốc Ueda nhận thấy rằng ở một thời điểm mà thị trường tương đối ổn định như hiện nay, BOJ nên tranh thủ hành động. Hiện tại, giới đầu tư gần như đã dừng việc thử thách quyết tâm bảo vệ chính sách YCC của BOJ – điều mà họ đã liên tục thử thách trong mấy tháng gần đây.
Tháng 12 năm ngoái, BOJ khiến giới đầu tư toàn cầu sửng sốt khi tăng gấp đôi biên độ dao động của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm từ +/-0,25% lên +/-0,5%. Động thái đó của BOJ cho tới hiện tại có vẻ như không còn đủ để xoa dịu mối lo của BOJ về những “tác dụng phụ” từ chính sách YCC.
Kỳ vọng ngày càng lớn rằng Mỹ và châu Âu đã tiến gần tới kết thúc chu kỳ thắt chặt đã giải toả bớt áp lực lên thị trường trái phiếu toàn cầu, tạo cơ hội cho BOJ điều chỉnh YCC mà không kéo theo rủi ro lớn về lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng vọt.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt mức cao nhất 33 năm vào đầu tháng này, và tỷ giá đồng Yên gần đây dao động quanh ngưỡng 140 Yên đổi 1 USD, giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ việc điều chỉnh YCC.
“Thị trường có thể vẫn đang nghiền ngẫm thông điệp của BOJ, chúng tôi xem việc BOJ điều chỉnh YCC là một bước đi sớm tiến tới việc họ cuối cùng rút hoàn toàn khỏi YCC. Về bản chất, họ vừa tăng mức trần của lợi suất lên 1%. Về tỷ giá mà nói, điều này sẽ có lợi cho sự tăng giá của đồng Yên”, chiến lược gia Alan Lau của Maybank nhận định với Bloomberg.