Hôm thứ Hai tuần này, cơ quan chức năng Mỹ đã tiếp quản First Republic Bank và tiến hành bán lại tài sản của nhà băng này cho ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase. Đây là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ. Dù vậy, Fed được dự báo vẫn sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư (3/5), khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày.
Cũng giống như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank – ba ngân hàng sập hồi tháng 3 – vụ đổ vỡ của First Republic một phần bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài của Fed. Khi lãi suất tăng, các khoản đầu tư của các ngân hàng, nhất là đầu tư vào trái phiếu dài hạn, bị mất giá. Điều này dẫn tới việc các ngân hàng gánh khoản thua lỗ hàng tỷ USD trên giấy tờ.
Khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh thu hút người gửi tiền với các ngân hàng khác. Cuộc đua lãi suất này đặt ra sức ép lớn đối với các ngân hàng khu vực và tầm trung, mà điển hình là những ngân hàng bị khách ồ ạt rút tiền khi xảy ra cuộc khủng hoảng hồi tháng 3.
Vậy tại sao giới đầu tư vẫn tin chắc rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào ngày 3/5? Hãng tin CNN đã đưa ra 4 lý do để lý giải cho kỳ vọng này:
Lý do thứ nhất nằm ở việc thị trường đã phản ánh vào giá các tài sản khả năng gần như chắc chắn Fed tăng lãi suất trong lần họp này. Theo giáo sư kinh tế học Jonathan Ernest thuộc Đại học Case Western Reserve, việc tăng lãi suất trở nên dễ dàng hơn đối với Fed khi thị trường đã kỳ vọng điều đó.
Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 80% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 3/5. Nếu Fed không tăng lãi suất như vậy, thị trường sẽ sửng sốt và “dẫn tới việc có thêm nhiều người tin lãi suất sẽ phải tăng trong tương lai”, ông Ernest nhấn mạnh.
Thứ hai, Fed muốn tránh việc tăng lãi suất ngắt quãng. Mục đích của Fed khi tăng lãi suất là chống lạm phát. Tăng lãi suất phát huy tác dụng chống lại sự leo thang của giá cả thông qua làm giảm tốc nền kinh tế bằng cách khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn đối với các ngân hàng và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này là một sự cân bằng quá đỗi mong manh giữa chống lạm phát và tránh gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Hồi thập niên 1970 và đầu những năm 1980, Fed đã “thay đổi xoành xoạch” giữa tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và giảm lãi suất để kích thích hoạt động kinh tế. Dạng chính sách tiền tệ này, thường được giới chuyên gia kinh tế gọi là “stop-and-go” (“dừng và đi”), bị xem là thảm hoạ đối với nền kinh tế. Bằng cách đó, Fed không thể chống được lạm phát và cũng chẳng thể “hâm nóng” nền kinh tế.
Lạm phát ở Mỹ hiện đã giảm so với mức đỉnh hơn 40 năm trên 9% vào mùa hè năm ngoái, nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed. Đó là lý do vì sao Fed vẫn tập trung vào việc chống lạm phát hơn bất kỳ nhiệm vụ nào khác ở thời điểm này, theo ông Ernest.
Thứ ba, lạm phát giá dịch vụ không dễ giảm như giá hàng hoá.
Một lý do khiến Fed gặp khó trong việc kéo lạm phát xuống là giá dịch vụ không phản hồi tích cực với các đợt tăng lãi suất đã có.
Giá dịch vụ ở Mỹ trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này vẫn tăng 7,1% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, CPI toàn phần bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ tăng 5%.
Fed khó gây ảnh hưởng lên giá dịch vụ bởi lĩnh vực này thường có sự ràng buộc với tiền lương, mà tiền lương ở Mỹ đang tăng nhanh. Theo Chỉ số chi phí nhân công, tiền lương ở Mỹ hiện tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và thứ tư, Fed không hề lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống.
Nếu xem những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây là một vấn đề mang tính hệ thống, Fed nhiều khả năng sẽ đánh giá lại lại kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, giới chức Fed không bày tỏ mối lo ngại nào như vậy.
“Một ngân hàng khu vực sụp đổ không phải là lý do để Fed thay đổi chiến lược”, ông Ernest nói với CNN. “Vụ sụp đổ chắc chắn có gây sốc và khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng tài chính 2008”, nhưng cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy lịch sử sẽ lặp lại – theo vị giáo sư.