Khi giảm lãi suất mạnh tay 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9, trong lần giảm đầu tiên của chu kỳ nới lỏng này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phải trấn an một số đồng nghiệp của ông rằng động thái này sẽ không gửi đi một tín hiệu về sự căng thẳng.
Giờ đây, mối bất đồng trong nội bộ Fed về việc giảm lãi suất đang có khả năng xuất hiện một lần nữa, đặt ông Powell vào một thế khó. Sau khi giảm lãi suất lần thứ hai vào tháng 11, Fed dự kiến sẽ có đợt giảm thứ ba vào ngày 18/12.
RỦI RO LẠM PHÁT BÁM RỄ SÂU
Theo tờ báo Wall Street Journal, ông Powell đang cố gắng xác định một tốc độ giảm lãi suất hợp lý, trong bối cảnh thị trường việc làm còn vững và lạm phát có vẻ “cứng đầu” hơn so với hồi tháng 9. Nếu ông Powell chủ trương tiếp tục giảm lãi suất, ông sẽ đối mặt với mối lo ngại từ một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ – những người vốn dĩ đã dè chừng mức giảm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Và đồng thời, những người ủng hộ mạnh mẽ hai đợt giảm lãi suất đầu tiên giờ đây cũng thấy ít có lý do hơn để duy trì tiến độ giảm như hiện tại.
Một lựa chọn hợp lý cho Fed và ông Powell trong lần họp này là giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, sau đó dùng các dự báo kinh tế cập nhật để phát tín hiệu mạnh mẽ rằng Fed đã sẵn sàng cho việc giảm lãi suất chậm hơn.
“Lần này, Fed có giảm hay giữ nguyên lãi suất cũng đều hợp lý”, ông Jon Faust – người đã giữ vai trò cố vấn cấp cao cho ông Powell từ năm 2018 cho tới năm nay – phát biểu. Ông Faust cho rằng những gì mà giới chức Fed nói về đường đi của lãi suất có thể sẽ “quan trọng hơn quyết định lãi suất của họ trong cuộc họp tháng 12”.
Một số quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ phản đối việc cắt giảm lãi suất trong tuần này. Những người có quan điểm nghiêng về cứng rắn này lo ngại uy tín của Fed sẽ bị lãng phí nếu Fed để cho lạm phát tiếp tục ở mức cao hơn mục tiêu sang năm thứ tư hoặc thứ năm.
Giới chức Fed nói chung vẫn cho rằng tốc độ lạm phát sẽ giảm dần về mục tiêu, nhưng một số người có thể không mấy tin tưởng vào dự báo đó, vì Tổng thống đắc cử Donald Trump có chủ trương trục xuất lao động nhập cư trái phép và áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu sau khi ông nhậm chức vào tháng tới. Những chính sách đó của ông Trump có thể đảo ngược tiến trình giảm lạm phát vốn dĩ đang dựa nhiều vào hai yếu tố là giá hàng hóa giảm và tốc độ tăng lương chậm lại.
Ông Eric Rosengren, người từng giữ chức Chủ tịch Fed Boston từ năm 2007 đến năm 2021, nói với Wall Street Journal: “Nếu bây giờ tôi ngồi trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) với tư cách là thành viên có quyền bỏ phiếu, tôi sẽ phản đối việc cắt giảm lãi suất”.
Một số quan chức Fed cũng lo ngại rằng xu hướng tăng của thị trường chứng khoán và những tài sản đầu cơ như tiền ảo bitcoin có thể thúc đẩy tiêu dùng, khiến lạm phát bám rễ sâu hơn. Xét tới sự vững vàng của các hoạt động kinh tế gần đây, “rất khó để cho rằng mức lãi suất hiện tại là thắt chặt”, Thống đốc Fed Michelle Bowman phát biểu trong tháng 12.
Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan, cảnh báo không nên cắt giảm lãi suất quá sâu, vì cho rằng đang có một niềm tin mà sai lầm là mức lãi suất “bình thường” hơn cho nền kinh tế thấp hơn nhiều so với mức lãi suất hiện tại. Bà Logan so sánh tình huống này với một vị thuyền trưởng với chiếc máy dò độ sâu nhầm lẫn giữa bùn với nước.
SỰ ĐỒNG THUẬN KHÓ KHĂN TRONG FOMC
Một nhóm quan chức khác trong Fed, bao gồm cả ông Powell, phát tín hiệu rằng họ chia sẻ mối lo ngại đó, nhưng không nghĩ rằng Fed đang đứng trước khả năng cắt giảm quá nhiều, xét tới việc họ đã nâng lãi suất nhiều như thế nào trong 2 năm qua.
“Chúng tôi lưu tâm đến nguy cơ đi quá xa, quá nhanh, nhưng cũng có nguy cơ chúng tôi đi chưa đủ xa. Có vẻ như chúng tôi đã đến đúng nơi cần đến rồi”, ông Powell phát biểu hồi tháng 11.
Một phần lớn trong công việc của ông Powell là đạt được sự đồng thuận trong FOMC, ủy ban với 18 thành viên. Việc này đôi khi rất khó vì lạm phát đã giảm không đều trong năm qua, khiến các nhà hoạch định chính sách trong FOMC dễ thay đổi lập trường.
Chẳng hạn, trong dự báo kinh tế đưa ra vào cuộc họp tháng 12/2023, Thống đốc Fed Christopher Waller kỳ vọng Fed có 6 đợt giảm lãi suất, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2024, nhiều hơn bất kỳ đồng nghiệp nào của ông. Nhưng sau đó, khi lạm phát chững lại vào mùa xuân 2024, ông Waller lại cho rằng Fed có thể giữ nguyên lãi suất cho tới cuối năm.
Trong suốt nhiều tháng sau đó, ông Powell và các đồng nghiệp của ông khẳng định họ cần xác định một thời điểm hợp lý để bắt đầu giảm lãi suất. Đến đầu tháng 9, Chủ tịch Fed cảm thấy lo ngại về khả năng phạm sai lầm giữ lãi suất quá cao quá lâu, sau khi đã mắc phải sai lầm đánh giá quá thấp về lạm phát vào năm 2021. Tại thời điểm tháng 9, thị trường việc làm của Mỹ có dấu hiệu giảm tốc mạnh và lạm phát cũng trở lại với xu hướng giảm.
Giới chức Fed thường phát tín hiệu trước khi có những động thái lớn để tránh gây bất ngờ trên thị trường. Ngay trước đợt giảm lãi suất vào tháng 9, một số quan chức Fed đã khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần giảm đầu tiên.
Tuy nhiên, ông Powell cuối cùng đã quyết định mức giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong trường hợp này, rủi ro giảm lãi suất quá mạnh tay được xem là ở mức thấp. Fed đã đợi quá lâu để bắt đầu giảm lãi suất, đến mức mà nếu nền kinh tế còn tăng trưởng vững, Fed chỉ cần giảm bớt tốc độ hạ lãi suất sau đó là được. Ngược lại, nếu Fed giảm lãi suất ít hơn vào tháng 9, đó sẽ là một sai lầm khó sửa nếu thị trường việc làm tiếp tục giảm tốc mạnh.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/the-kho-cua-chu-tich-fed.htm