9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng của Thái Bình ước đạt gần 17.100 tỷ đồng, bằng khoảng 81,3% dự toán; Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện gần 15.500 tỷ đồng, đạt 92,2% dự toán, trong đó thu nội địa ước thực hiện gần 5.147 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3 tỷ 362 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thái Bình cũng đã thực hiện giải ngân 4.236 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 86,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến đến ngày 30/9, toàn tỉnh có 92 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm 11.614 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 585 triệu USD.
Đến nay tỉnh Thái Bình đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 274 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 57.000 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,1 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2021, tỉnh thu hút được 8 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 545 triệu USD, cao hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 2.300 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng và 916 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Không chỉ chú trọng công tác thu hút đầu tư, Thái Bình cũng chủ động triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít gây ô nhiễm môi trường
Cùng với việc tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, Thái Bình cũng từng bước giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế với định hướng chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành thương hiệu sản phẩm nông sản có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo nhu cầu của thị trường.
Nếu như năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) chiếm 27,49% thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 24,93%, năm 2022 còn 22,67% và 6 tháng đầu năm 2023 còn 22,52%.
Đến nay, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh giảm hàng năm song sản lượng và năng suất các loại cây trồng vẫn được duy trì tốt. Năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 131 tạ/ha, sản lượng thóc ổn định đạt khoảng 1 triệu tấn/năm; cơ cấu giống lúa chuyển dịch sang các giống lúa chất lượng cao, phương thức gieo cấy tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, giảm diện tích gieo cấy thủ công, tăng diện tích gieo cấy bằng máy trồng lúa và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp đại điền “cánh đồng lớn”.
Hiện tại toàn tỉnh có 220 cánh đồng lớn tại 138 xã với diện tích gần 7.540ha, trong đó có hơn 5.900ha có liên kết sản xuất và được bao tiêu sản phẩm. Phong trào tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng với tổng diện tích tích tụ, tập trung hơn 11.200ha, tăng 42,3% so với năm 2020.
Trên thực tế, quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế thực sự đã ra tạo động lực tăng trưởng cho Thái Bình trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Bình luôn đứng tốp đầu của cả nước. Năm 2022 GRDP của tỉnh tăng 9,52% (đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh thành phố của cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Quy mô nền kinh tế năm 2022 của Thái Bình tăng 12,6% so với năm 2021, gấp 2 lần so với năm 2016, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 58,9 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2021 và gấp 1,9 lần so với năm 2016.