Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 20/8 vừa qua, về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh chính sách phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, với mức tăng thuế Thuế tiêu thụ đặc đối với sản phẩm thuốc lá theo cả 2 phương án của Bộ Tài Chính đề xuất, nhiều chuyên gia nhận định việc tăng quá nhanh của thuế sẽ khiến giá bán sản phẩm thuốc lá hợp pháp sau tăng thuế tăng đột biến, điều này sẽ khiến người tiêu dùng chuyển dịch sang thuốc lá lậu, từ đó thuốc lá lậu tăng phi mã, trong khi đó sản lượng thuốc lá hợp pháp sụt giảm nghiêm trọng gây thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước và các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và người lao động với nỗi lo sinh kế.
DOANH NGHIỆP HỢP PHÁP ĐỐI MẶT VỚI ÁP LỰC KINH TẾ – XÃ HỘI
Theo đại diện của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” diễn ra tại Hà Nội, mô hình phân tích của Viện về tác động của việc tăng thuế cho thấy các nhà sản xuất thuốc lá bắt buộc phải chuyển toàn bộ tác động của thuế tăng sang người tiêu dùng bằng việc tăng giá sản phẩm, từ đó vô tình đẩy người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá hợp pháp khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35% và các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong thời gian ngắn.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam cũng chia sẻ tại Hội thảo khi thuế Thuế tiêu thụ đặc thuốc lá tăng quá nhanh như đề xuất, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà bán lẻ, bán buôn chịu tác động tiêu cực.
Để chứng minh rõ nét cho những hệ quả nhãn tiền nêu trên, có thể nhìn vào các bài học mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt khi thuế Thuế tiêu thụ đặc thuốc lá tăng sốc.
Điển hình như tại Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm, và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này. Hay tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005 khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%. Trong khi đó, tổng thiệt hại mà Chính phủ Ấn Độ ước tính cho năm 2022 do thị trường bất hợp pháp trong ngành công nghiệp thuốc lá là ₹ 13.331 crore, tăng 46% so với năm 2012.
NGƯỜI NÔNG DÂN VÙNG TRỒNG NGUYÊN LIỆU ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU NỖI LO VỀ SINH KẾ
Cây thuốc lá được đánh giá là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng núi vươn lên thoát nghèo, tận dụng được tối đa lao động dôi dư ở những vùng khó khăn.
Nhìn thấy từ thực tế, cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Gia Lai, được các nhà đầu tư thu mua giá cả rất ổn định trong các năm vừa qua. Như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua dự kiến từ 63.000 đồng đến 72.000 đồng/kg. Điều này góp phần lớn vào việc cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống của 2.026 hộ nông dân tại các vùng trồng cây thuốc lá ở Gia Lai.
Riêng tại tỉnh Gia Lai, niên vụ 2023-2024 trên địa bàn tỉnh gieo trồng được 4.934 hecta cây thuốc lá với năng suất bình quân đạt 3,19 tấn/hecta, sản lượng thuốc lá nguyên liệu dự kiến đạt gần 15.760 tấn.
Còn tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, cây thuốc lá được chứng minh có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng ổn định, chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho người lao động nông thôn.
Chia sẻ tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”, ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, cho biết, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá năm 2023 tại địa phương này đạt 920 ha, sản lượng đạt khoảng 2.018 tấn, doanh thu đạt trên 111,8 tỷ đồng (giá trị đạt 121,5 triệu đồng/ha). Còn trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá tăng nhẹ đạt 948 ha, sản lượng ước đạt 2.158 tấn, doanh thu ước đạt trên 114,3 tỷ đồng (giá trị ước đạt 120,5 triệu đồng/ha).
Tại Chi Lăng, các nhà đầu tư thu mua giá cả rất ổn định trong các năm vừa qua; như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo.
Có ý kiến cho rằng các địa phương cần chuyển đổi từ trồng cây thuốc lá sang cây trồng khác. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và chuyển đổi sang loại cây trồng khác hợp với khí hậu thổ nhưỡng để thay thế cây thuốc lá và mang lại sinh kế ổn định cho người nông dân vùng trồng nguyên liệu là không hề đơn giản vì thời tiết diễn biến phức tạp, cây thuốc lá có thể sinh trưởng tốt và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Hiện ngoài cây thuốc lá, không có một loại cây nông nghiệp nào mà người nông dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, bao tiêu và đảm bảo lợi nhuận.
Theo thống kê về thu nhập của các hộ nông dân trên toàn quốc, thu nhập bình quân một tháng của một hộ nông dân riêng nhờ vào việc trồng thuốc lá là hơn 14 triệu đồng, trong khi đó tổng thu nhập bình quân một tháng của một hộ nông dân ở mức khoảng 22 triệu đồng. Đồng nghĩa, tỷ lệ thu nhập nhờ vào việc trồng thuốc lá chiếm đến 64% thu nhập của một hộ nông dân.
“Vì vậy, chúng tôi hi vọng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ cân nhắc đến các tác động của việc tăng thuế thuốc lá lên sinh kế của người nông dân trong quá trình xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với sản phẩm thuốc lá”, ông Vi Nông Trường nói.
Từ cơ sở đó, Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đề xuất áp dụng mức thuế tuyệt đối là 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 đạt mức tăng 3.000 đồng/bao.
Phương án đề xuất này được đánh giá sẽ tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29,5-30 nghìn tỷ vào năm 2030, tăng trưởng 7%-9%/năm. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỷ bao, và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%.
Khi tham khảo các phân tích của chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt từ định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 20/8, có thể thấy rằng việc tăng thuế nên được thực hiện từng bước, với mức tăng và lộ trình hợp lý.
Điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn các mục tiêu được đề ra, cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không gây xáo trộn không cần thiết, hạn chế ảnh hưởng đến người lao động trong ngành và vấn đề an sinh xã hội, đồng thời giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước trong lâu dài.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-can-co-lo-trinh-phu-hop-de-cac-ben-lien-quan-co-su-chuan-bi.htm