Doanh nghiệp SME từ lâu đã được xem là tiềm năng, là xương sống cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này được thể hiện qua con số gần một triệu doanh nghiệp SME đang hoạt động (tính đến tháng 6/2024). Trong đó, phân khúc SME có doanh thu dưới 20 tỷ chiếm khoảng 83 – 85%, doanh thu dưới 25 tỷ chiếm tới 95%.
MỞ “NÚT THẮT” ĐỂ DOANH NGHIỆP SME PHÁT TRIỂN
Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SME OCB, cho biết: “Phân khúc SME tại Việt Nam rất năng động, tuy nhiên cũng là phân khúc dễ “tổn thương” nhất bởi: Trên 80% doanh nghiệp SME thành lập dưới 3 năm; Doanh nghiệp có vốn thực góp dưới 10 tỷ chiếm khoảng 95%. Điều này nói lên “lực chịu đựng” của phân khúc này trong điều kiện khó khăn bị mỏng, trở thành phân khúc dễ bị ảnh hưởng, dễ bị “tổn thương” nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có phát sinh doanh thu dưới 10 tỷ chiếm 72%, cho thấy số lượng micro SME tại Việt Nam cực kỳ nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ ghi nhận có lãi trên báo cáo thuế liên tục 2 năm là dưới 1%”.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME phải rời khỏi thị trường, theo ông Khoa, là do việc lựa chọn mô hình kinh doanh chưa đúng. Nhiều doanh nghiệp thường tập trung giải quyết một vấn đề hoặc cung cấp một giải pháp, sản phẩm họ cho rằng có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Điều này dễ đem đến tỷ lệ thất bại cực kỳ cao. Bên cạnh đó là các rủi ro như tập trung vào một người đứng đầu; Không phát triển được nguồn nhân lực lõi; Chưa thích ứng và theo kịp về khoa học – công nghệ; Năng lực quản lý tài chính, đặc biệt là quản lý dòng tiền còn hạn chế…
Hiểu được những vấn đề trên, OCB đã tiến hành xây dựng các gói giải pháp tài chính với định hướng – Trọn một hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngân hàng không chỉ cung cấp sản phẩm riêng lẻ đơn thuần, mà tập trung cung cấp gói giải pháp tài chính toàn diện từ hỗ trợ khoản vay, quản lý dòng tiền, tư vấn các giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng công nghệ để kết nối hệ sinh thái giữa doanh nghiệp – khách hàng – đối tác. Những gói giải pháp này sẽ được OCB thiết kế theo nhu cầu, đặc trưng riêng của từng khách hàng.
Đặc biệt, OCB là một trong số ít các ngân hàng trên toàn hệ thống tiên phong triển khai Open API – hệ thống kết nối API theo hình thức mở giữa OCB và Công ty Fintech/Đối tác. Đây cũng là nền tảng kỹ thuật cốt lõi để thực hiện Open Banking.
Với hơn 150 API sẵn sàng tích hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tác từ nhiều ngành nghề khác nhau, các sản phẩm, dịch vụ Open API đã và đang đáp ứng nhu cầu cho tất cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp với hiệu suất xử lý mạnh mẽ. Cụ thể như: xử lý trung bình hơn 2 triệu giao dịch/tháng kể từ đầu năm 2024. Trong đó, riêng tháng 8/2024 đạt gần 3 triệu giao dịch; Tổng giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 18.000 tỷ đồng. “Với những chiến lược, nền tảng công nghệ như trên, ngân hàng sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng các khách hàng từ giai đoạn start-up đến khi phát triển thành một doanh nghiệp lớn, vững mạnh”, ông Khoa nhấn mạnh thêm.
PHÁ BỎ “RÀO CẢN” M&A GIỮA DOANH NGHIỆP SME VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN
Ông Jun Okuda, đại diện Công ty quản lý Quỹ cổ phần tư nhân – Daiwa Corporate Investment, cho biết Việt Nam đang là đối tác chiến lược tiềm năng quan trọng của SME Nhật Bản. Hiện tại, Nhật Bản đang tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh sang các quốc gia và Việt Nam là nước đứng thứ 2 (sau Mỹ) mà Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh mẽ nhất. “Các nhà đầu tư Nhật Bản đang nhìn về những quốc gia với nguồn nguyên vật liệu dành cho họ. Theo đó, Việt Nam nằm trong Top 2, chỉ sau Trung Quốc”, ông Jun Okuda nói.
Thực tế cho thấy, quá trình M&A giữa doanh nghiệp SME Việt Nam – Nhật Bản vẫn còn nhiều “hàng rào” do những yếu tố khác biệt về chính trị, quy định, kinh tế, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, đặc thù doanh nghiệp, phương thức quản trị và khả năng tài chính. Cụ thể, tuổi đời doanh nghiệp Nhật Bản trung bình 34 năm và 10 năm là tuổi đời trung bình của doanh nghiệp Việt Nam. Vì lẽ đó, chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhật Bản hầu hết là thế hệ thứ 4 đến thứ 5 (độ tuổi 50-60), trong khi ở Việt Nam đang ở thế hệ đầu tiên ở đôi tuổi 30 – 34. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt khi liên quan đến các quyết định kế hoạch kinh doanh.
Hoạt động quản trị của doanh nghiệp SME Việt Nam cũng còn nhiều đặc thù, các doanh nghiệp trẻ hiện vẫn đang thực hiện việc ghi sổ sách một cách thủ công và chưa được số hóa. Trong khi đó, hoạt động vay vốn còn nhiều khó khăn do phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo trong khi năng lực tài chính doanh nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. Tất cả những điều này dẫn đến việc doanh nghiệp SME khó để gây dựng lòng tin với các nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư.
“Để xử lý được những vấn đề trên, mở ra cánh cửa đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp SME nói riêng cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhằm tăng độ tin cậy và tính minh bạch, tạo ra cơ hội để chứng minh với ngân hàng để nhận được các khoản vay dài hạn. Song song đó, tìm kiếm con đường thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, tiếp nhận những thương hiệu, công nghệ từ Nhật Bản…”, ông Jun Okuda nêu giải pháp.
Thực tế, các khoản vay đầu tư kinh doanh tại Nhật Bản thường có lãi suất rất thấp, đa dạng nhà đầu tư, thông qua việc hợp tác và liên doanh giữa các doanh nghiệp hai nước, sẽ mang đến những cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tốt, phù hợp với định hướng của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cũng có thể tìm kiếm cơ hội phát triển trên sàn giao dịch Chứng khoán Nhật Bản – sàn giao dịch Tokyo. Đây là một trong các sàn giao dịch tốt nhất hiện nay giữa các nước Châu Á.
Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch lên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, đây có thể là một cú hích cần thiết để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Việc này cũng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ trong thị trường và tạo nên nguồn doanh thu tăng trưởng lớn hơn.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tang-cuong-va-mo-rong-co-hoi-ma-giua-viet-nam-va-nhat-ban.htm