Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo đã nhận được ý kiến của các bộ ngành, trong đó có nhiều góp ý liên quan đến các ngành nghề như bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, bổ sung quy định đặc thù về thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến quản lý tài sản cho khách hàng như tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán).
Trong đó cần quy định về trình tự, thủ tục phá sản đổi với tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Luật phá sản và các văn bản hướng dẫn cần lưu ý tách biệt giữa tài sản của nhà đầu tư tại tổ chức kinh doanh chứng khoán do tổ chức kinh doanh chứng khoán đứng tên và tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán để đồng bộ giữa Luật Chứng khoán và Luật phá sản.
Bộ Tài chính cho rằng theo quy định hiện hành, Điều 95 Luật Chứng khoán đã quy định đối với trường hợp công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (tổ chức kinh doanh chứng khoán) bị thu hồi giấy phép do phá sản phải thực hiện tất toán tài sản của khách hàng do tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp nhận và quản lý.
Bên cạnh đó, trên thực tế, các tài sản (tiền, chứng khoán) của nhà đầu tư vẫn có thể nằm trên “tài khoản tổng” của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Vì thế, cần có quy định rõ nguyên tắc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Theo đó, khi xử lý phá sản các doanh nghiệp này thì tài sản của nhà đầu tư (kể cả đứng tên công ty chứng khoán/ công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) là thuộc sở hữu của nhà đầu tư và không bị xử lý theo các quy định về phá sản của doanh nghiệp (như phong tỏa, kê biên, cấm chuyển dịch quyền sở hữu).
Bên cạnh đó, Tài chính cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 43 và khoản 1, Điều 109 Luật Phá sản như sau: “Tòa án nhân dân có trách nhiệm gửi Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp là công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán”.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn cho rằng với tính chất đặc trưng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có các quy định về các biện pháp can thiệp khi tình trạng tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn bao gồm: các biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm và biện pháp kiểm soát nhằm khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Việc phá sản doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi kết thúc thời hạn kiểm soát mà doanh nghiệp vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán.
Theo đó, Điều 116 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung một số quy định đặc thù liên quan đến hoạt động phá sản của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiếm. Do vậy, trường hợp này không cần thiết phải tiến hành lại các bước khôi phục tình hình tài chính của doanh nghiệp (bao gồm Hội nghị chủ nợ, khôi phục khả năng thanh toán….) như quy định của Luật phá sản.
“Trên cơ sở đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Tài chính đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, cân nhắc bố sung tại Luật Phá sản quy định thủ tục phá sản giản lược áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (tương tự như quy định về phá sản của tổ chức tín dụng), không cần thiết phải tiến hành lại các bước khôi phục tình hình tài chính của J2 n doanh nghiệp (bao gồm hội nghị chủ nợ, khôi phục khả năng thanh toán….) như quy định của Luật phá sản hiện hành.
Đồng thời cho phép áp dụng quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Phá sản”, công văn nêu rõ.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/sua-luat-pha-san-kien-nghi-co-quy-dinh-dac-thu-voi-cac-quy-dau-tu-cong-ty-chung-khoan.htm