Chia sẻ tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) phối hợp với báo Tiền phong tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 140 triệu thẻ thanh toán đang lưu hành. Trong đó có 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế, đáng chú ý, gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức định danh điện tử eKYC.
Hiện có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính đang tham gia lĩnh vực thẻ tín dụng nội địa, với hơn 800 ngàn thẻ đang lưu hành đến cuối tháng 8/2023, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
“Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code),… song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng tích cực triển khai phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)”, ông Lê Anh Dũng nói.
Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, dịch vụ mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC đang được các ngân hàng triển khai rầm rộ, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thời gian mở thẻ chỉ mất hơn 1 phút.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) nhấn mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2023, mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn. Đại diện Napas cho rằng, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý 2/2022. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 2/2203 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch HĐQT Napas cho biết thêm, các ngân hàng đang triển khai dịch vụ “Tap to phone” (soft POS) để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, đặc biệt hướng đến việc hỗ trợ các cửa hàng quy mô nhỏ không đủ điều kiện lắp đặt máy POS truyền thống. Dịch vụ này phù hợp cho các cửa hàng có doanh số thanh toán thẻ không cao và không đáp ứng được yêu cầu lắp đặt máy POS truyền thống của các ngân hàng (từ 50-60 triệu đồng/tháng).
Với những động thái mạnh mẽ trên, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán kỳ vọng chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới, đột phá dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên gần gũi, quen thuộc tới nhiều nhóm khách hàng hơn nữa. Đồng thời tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1813/QĐ-TTg) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Ban tổ chức cho biết các ngân hàng tham gia chuỗi sự kiện sẽ triển khai các chương trình ưu đãi thúc đẩy chi tiêu, thanh toán bằng thẻ nội địa Napas và chương trình ưu đãi giảm học phí khi thanh toán trực tuyến cho sinh viên của 20 trường đại học trên toàn quốc.
Bên cạnh đó còn có hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”. Các tham luận tại hội thảo hướng tới đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu ra rào cản và giải pháp tháo gỡ. Từ đó, nhằm thúc đẩy và đưa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ vào cuộc sống. Đồng thời, nhận định xu hướng thanh toán tương lai góp phần xây dựng cơ sở tiếp nhận các công nghệ mới trong hoạt động thanh toán.