Ngày 22/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: khó khăn, thách thức và quyết tâm”.
Tại hội thảo này, theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Nhưng, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm trong 3 năm gần đây. Trước đó, vào cuối năm 2022, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng đến 31,01%.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản là 2,47%; tăng 0,94% so với cùng kỳ 2022…
Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.
Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng toàn nền kinh tế nên tín dụng bất động sản sụt giảm kéo theo tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra các khó khăn như cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp khiến cầu tín dụng thấp. Trong 7 tháng đầu năm, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.
Liên quan đến chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay các ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại, với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31; đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng (trên quy mô 40.000 tỷ đồng).
Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, bà Hà Thu Giang cho biết đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.