Thưa bà, kết quả số thu thuế từ hộ kinh doanh 5 năm gần đây ra sao và việc quản lý hộ kinh doanh hiện nay được triển khai như thế nào?
Việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế phân loại và thực hiện quản lý thuế theo 6 nhóm: (i) hộ khoán; (ii) hộ kê khai; (iii) cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh; (iv) cá nhân cho thuê tài sản; (v) cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức; (vi) cá nhân làm đại lý xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
Kết quả số thu thuế từ hộ kinh doanh những năm gần đây như sau: năm 2019 đạt 19.409 tỷ đồng; năm 2023 đạt 21.639 tỷ đồng; số thu các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt đạt: 18.738 tỷ đồng, 16.196 tỷ đồng, 17.350 tỷ đồng, số thu này giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nói riêng cũng như đời sống của người dân.
Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn về thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 như: Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP…
Thời gian qua, Tổng cục Thuế hoàn thiện các giải pháp, củng cố cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhằm quản lý thuế đầy đủ đối với các hình thức kinh doanh mới phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng số xuyên biên giới… Để tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về xây dựng hoàn thiện chính sách; thu thập, khai thác thông tin; chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành.
Hiện, hoạt động kinh doanh trực tuyến ngày càng bùng nổ, nhiều hộ kinh doanh đẩy mạnh hoạt động kinh doanh lên không gian mạng. Vậy, công tác quản lý thuế có sự thay đổi như thế nào để bắt kịp sự thay đổi của các hộ kinh doanh?
Với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng, dẫn đến số thu của hộ kinh doanh ghi nhận sự tăng trưởng. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến, hiện nay cơ quan thuế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế.
Cụ thể, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng số xuyên biên giới, kinh doanh theo hình thức livestream bán hàng tuân thủ các quy định về thuế. Tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, đảm bảo người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp nước ngoài, sàn giao dịch thương mại điện tử, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế. Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, các nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng số xuyên biên giới, kinh doanh theo hình thức livestream bán hàng; doanh nghiệp là chủ sàn thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán.
Chúng tôi cũng phối hợp với các bộ, ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Đơn cử, cơ quan thuế phối hợp với Bộ Công an rà soát và đồng nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu mã số thuế; Bộ Công Thương: dữ liệu về sàn giao dịch thương mại điện tử; Bộ Thông tin và Truyền thông: dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; Ngân hàng Nhà nước: thông tin về tài khoản thanh toán, dòng tiền.
Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản dưới Luật có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, ngân hàng, trung gian thanh toán…
Để chống thất thu ngân sách đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế xây dựng nhiều giải pháp, trong đó có việc số hóa công tác quản lý thuế thông qua Bản đồ số hộ kinh doanh và bắt buộc áp hóa đơn điện tử với nhiều trường hợp. Việc triển khai những giải pháp này thời gian qua ra sao và mang lại ý nghĩa gì trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, thưa bà?
Để từng bước triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong công tác quản lý thuế, ngành thuế triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai ứng dụng Bản đồ số hộ kinh doanh và hóa đơn điện tử. Những giải pháp này mang lại rất nhiều ý nghĩa trong quản lý thuế.
Ứng dụng Bản đồ số hộ kinh doanh cũng hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác thực hiện việc phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế với sự giám sát của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, đảm bảo bình đẳng giữa các hộ kinh doanh, giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, việc triển khai hóa đơn điện tử giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp; sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy; giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy…
Sử dụng hóa đơn điện tử cũng tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế…
Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn…
Triển khai hóa đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác; mang nhiều lợi ích chung cho xã hội, như: tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Thưa bà, tại sao quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vẫn còn chậm và thực tế này có liên quan gì đến hoạt động quản lý thuế?
Hiện nay, đối với mỗi mô hình kinh doanh đều có những quy định về chính sách thuế và quản lý thuế khác nhau phù hợp cho từng loại mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo quản lý thuế chặt chẽ và đầy đủ.
Lý do các hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp không phải xuất phát từ việc quản lý thuế chặt chẽ hơn mà phần lớn các hộ kinh doanh e ngại khi đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp do nhiều vấn đề. Đó là năng lực, trình độ của hộ kinh doanh còn hạn chế, chưa đủ tự tin quản trị một doanh nghiệp với rất nhiều thủ tục, sổ sách, giấy tờ, quy định ở nhiều cơ quan ban ngành khác nhau phải tuân thủ.
Cùng với đó, tâm lý kinh doanh thu lợi “ngắn hạn” mà chưa chú trọng phát triển lâu dài, bền vững.
Nhiều hộ kinh doanh cũng chưa có nhu cầu tăng quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh nên việc đăng ký hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hay chuyển đổi thành doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, thiếu chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư, đặc biệt là khó huy động nguồn vốn giá rẻ nên không thể chuyển lên mô hình doanh nghiệp.
Để tiếp sức hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và đẩy nhanh sức phục hồi của nền kinh tế, ngành thuế sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa bà?
Về cơ bản, việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có sự tương đồng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do mô hình hộ kinh doanh còn mang tính chất kinh tế hộ gia đình, có quy mô nhỏ lẻ, thiếu thốn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… nên các chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cũng cần được xây dựng theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ sửa đổi căn bản về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động quản lý thuế, hóa đơn, kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhằm giảm dần sự khác biệt trong chính sách thuế và quản lý thuế giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Để tiếp sức hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và đẩy nhanh sức phục hồi của nền kinh tế, ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế theo hướng phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy mô nhỏ, vừa và lớn để có chính sách quản lý phù hợp, chống thất thu thuế, chống lợi dụng chính sách thuế để trốn thuế. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu cải cách quản lý thuế, giảm dần sự khác biệt giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh để thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô vừa và lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tín dụng, tiếp cận thông tin mở rộng thị trường, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp…
VnEconomy 26/11/2024 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quan-ly-thue-phai-thay-doi-de-bat-kip-chuyen-dich-mo-hinh-kinh-doanh-moi.htm