Nếu tính cả thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước thì thu từ tài sản công có thể đạt xấp xỉ mục tiêu mà Nghị quyết số 39 đề ra.
Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng huy động nguồn lực tài chính từ tài sản công không xứng với tiềm năng.
THIẾU HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO VIỆC KHAI THÁC TÀI SẢN CÔNG
Theo các chuyên gia, để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả những nguồn tài lực của nền kinh tế, cần nhìn lại những cơ chế, thể chế được ban hành trong thời gian vừa qua như thế nào? Cần tổng kết, điểm lại trong suốt 5 năm vừa qua, những luật nào đã được sửa đổi, ban hành và nó mang lại những đóng góp gì trong việc khơi thông nguồn lực tài chính cho nền kinh tế?
“Tôi nhận thấy Luật Ngân sách Nhà nước chi phối toàn diện và đầy đủ đến toàn bộ công tác huy động và sử dụng nguồn lực trong khu vực công, nhưng Nghị quyết số 39 lại chưa đề cập đến vai trò của Luật này trong việc khơi thông nguồn lực tài chính. Cần đánh giá xem việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã đáp ứng được nhu cầu của thực tế chưa? Tại sao nguồn thu từ tài sản công trong giai đoạn 2019-2024 lại thấp như vậy, không đạt mục tiêu Nghị quyết số 39 đề ra? Sắp tới, chúng ta sẽ sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hàng ngàn xã, phường, hàng trăm huyện, thị trên cả nước, vậy tài sản công dư thừa sẽ được thống kê, xử lý ra sao?”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nêu vấn đề.
Các chuyên gia đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc khai thác các tài sản công chuyên ngành còn chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên.
Việc thiếu hành lang pháp lý dẫn đến hai tình huống. Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị lúng túng trong việc khai thác tài sản công, sợ trách nhiệm nên chậm chạp trong việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thứ hai, vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công diễn ra gây thất thoát tài chính cho ngân sách.
Cùng với đó, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường đánh giá cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do đó hạn chế trong việc cung cấp số liệu để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách quản lý, đặc biệt là với tư cách “nguồn lực” tài chính.
Về lĩnh vực dự trữ quốc gia, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết tổng mức dự trữ quốc gia tuy có sự tăng trưởng qua từng năm nhưng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhiều mặt hàng chưa đạt mức tồn kho so với định hướng chiến lược đề ra đến năm 2020. Việc mua sắm vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia hàng năm còn gặp nhiều khó khăn do các mặt hàng có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng không có sẵn trên thị trường.
Việc trình cấp có thẩm quyền xuất cấp các mặt hàng dự trữ quốc gia, nhất là các mặt hàng phòng chống thiên tai, dịch bệnh còn chưa được các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo đúng quy trình, trình tự, dẫn tới việc thủ tục kéo dài. Mặt khác, lượng tồn kho nhiều mặt hàng hiện còn hạn chế nên không chủ động đáp ứng được yêu cầu xuất cấp (như hạt giống cây trồng, mặt hàng y tế…).
Các chuyên gia cho biết quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia của một số mặt hàng do các bộ, ngành quản lý còn chưa có hoặc đã được ban hành từ lâu, hiện không còn phù hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng dự toán kinh phí bảo quản, nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia hàng năm.
Liên quan đến cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, các chuyên gia đánh giá việc ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật của các lĩnh vực còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay mới có 7 ngành, lĩnh vực đã ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, gồm: Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Lao động – Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành ngày 25/10/2017 (Nghị quyết số 19) và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đến hết năm 2021 hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ các khoản chỉ phí vào giá dịch vụ). Tuy nhiên, thực hiện trong thời gian qua, hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính dù chi phí vào giá, do vừa phải thực hiện mục tiêu đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân. Điều này dẫn đến khó khăn khi thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.
Chi thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn tăng, không đạt được mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 19 do trong năm 2020, 2021, 2022 nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến không đảm bảo chi thường xuyên, ngân sách nhà nước phải cấp bù để các đơn vị đảm bảo chi thường xuyên.
CÂN NHẮC BỔ SUNG CHỈ TIÊU VỀ HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG TÀI LỰC
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định một số chỉ tiêu về huy động tài lực cho phát triển kinh tế – xã hội hiện chưa đủ dữ liệu đánh giá, do đó đề xuất các cơ quan của Đảng cân nhắc điều chỉnh, bổ sung thêm tại Nghị quyết số 39 trong thời gian tới.
Thứ nhất, bổ sung các chỉ tiêu về: (1) Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP; (2) Đầu tư cho khoa học và công nghệ/GDP; (3) Tổng vốn đầu tư xã hội/GDP; (4) Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP. Đây là các chỉ tiêu phù hợp với yêu cầu khai thác, sử dụng tài lực (tổng hợp từ ngân sách nhà nước, các khu vực kinh tế, doanh nghiệp) cho phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, chỉ tiêu Dự trữ quốc gia/GDP đã có trong Nghị quyết số 39 song chưa rõ nột hàm và khó đo lường, vì vậy, nên rà soát, điều chỉnh phù hợp.
Thứ ba, chỉ tiêu Huy động của bảo hiểm/tổng vốn dài hạn của nền kinh tế đã có trong Nghị quyết số 39 song khó đo lường, khó tính toán chính xác tổng vốn dài hạn nền kinh tế, nên nghiên cứu thay thế bổ sung bằng chi tiêu khác như: Tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm hoặc Quy mô thị trường bảo hiểm so với GDP.
Thứ tư, chỉ tiêu Thu từ đất đai và thu từ tài sản công/tổng thu ngân sách nhà nước đã có trong Nghị quyết số 39, song đây không phải các nguồn thu chính, bền vững. Khoản thu từ tài sản công/tổng thu ngân sách nhà nước cần xác định rõ nội hàm có hay không bao gồm cả thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước? Nên nghiên cứu thay thế bằng chỉ tiêu khác ổn định hơn, phản ánh thực chất năng lực phát triển của nền kinh tế, đồng thời phù hợp với Quyết định 368/QĐ-TTg về phát triển: (1) Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước (là nguồn thu chính, hiện chiếm 80-85% tổng thu ngân sách nhà nước); (2) Tỷ trọng chỉ đầu tư phát triển/tổng chi ngân sách nhà nước (phản ánh khả năng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên).
Liên quan đến phân bổ, sử dụng nguồn tài lực, đặc biệt là ngân sách nhà nước, các chuyên gia đồng thuận rằng công tác triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương thời gian qua còn chậm, kéo dài.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lâu nay hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước khá thấp; nói cách khác là sử dụng tài lực chưa hiệu quả. Số liệu cho thấy, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) năm 2020 – 2021 là 14,5-15%, năm 2022 xuống 5%, năm 2023 là 7% (tức là bỏ ra 7 đồng vốn đầu tư thì được 1 đồng tăng trưởng GDP). Nguyên nhân là do đầu tư dàn trải, nhiều công trình, các công trình đầu tư để đưa vào hoạt động sử dụng chiếm thời gian dài.
Ngoài ra, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư của khu vực nhà nước có xu hướng sụt giảm, chậm cải thiện ở một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như: công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật…
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2024 phát hành ngày 2/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quan-ly-cong-san-du-tru-quoc-gia-khoang-trong-phap-ly-gay-lang-phi-tai-luc.htm