Chia sẻ về xu thế Ngân hàng mở và kinh nghiệm triển khai tại VietinBank tại hội thảo “Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng Open Banking là khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng trên các kênh do ngân hàng cung cấp và các kênh do các đối tác thứ 3, công ty Fintech, ứng dụng mobile apps cung cấp để đáp ứng đa dạng các nhu cầu cuộc sống.
Phó tổng giám đốc VietinBank nói: Khi mỗi người thức dậy mỗi ngày nhu cầu của họ không phải đến ngân hàng mà là đi lại, mua sắm, ăn uống và những ứng dụng họ truy cập như Grab, Agoda, Shopee… Nếu ngân hàng không lồng ghép hoạt động của mình vào quy trình hàng ngày của khách hàng thì nhanh chóng bị loại sang một bên.
Vì thế, xu hướng ngân hàng mở ra đời. Ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng đến khách hàng qua kênh của mình nữa mà chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn là ứng dụng số, khách hàng ngày nào cũng dùng.
Bản thân các ứng dụng số cũng có nhu cầu kêu gọi dịch vụ của ngân hàng đảm bảo trải nghiệm của mình tốt hơn cho khách hàng.
Về phía ngân hàng cũng thấy đây là kênh tiềm năng hơn truyền thông. VietinBank có 150 chi nhánh hơn 1.000 phòng giao dịch nhưng khách hàng của Grab, Agoda… nhiều hơn thế rất nhiều. Nếu lồng ghép dịch vụ vào các ứng dụng này thì ngân hàng sẽ tiếp cận được tập khách hàng vô cùng lớn.
“Tóm lại, ngân hàng cung cấp dịch vụ không chỉ qua kênh của mình mà qua các đối tác, ứng dụng số tới khách hàng. Đó là xu thế Open Banking”, ông Lân nhấn mạnh.
Ở VietinBank, Open Banking có 4 đặc điểm: Áp dụng chuẩn Quốc tế cho việc tích hợp; Kiến trúc Microservice giúp việc tích hợp từ bên ngoài với các hệ thống nội bộ là trong suốt; Dễ dàng nghiên cứu và thực nghiệm API trên Developer Portal; Khuyến khích việc ứng dụng API vào việc phát triển sản phẩm mới.
Hệ thống ngân hàng mở của VietinBank cũng bao gồm 10 cấu phần: API gateway; Cổng thông tin và môi trường Sandbox; Định danh và xác thực khách hàng; Quản lý dịch vụ KH sử dụng; Tích hợp thông tin nội bộ; Quy trình kết nối đối tác; Quản lý vòng đời đối tác; Phân tích dữ liệu; Bảo mật dữ liệu; Báo cáo hoạt động.
Hiện tại mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect: Giao dịch ví điện tử khoảng 32% tỷ trọng giao dịch. Giao dịch ERP, nhận tiền kiều hối, thu – chi hộ và thanh toán hóa đơn chiếm khoảng 55%. Các giao dịch còn lại như biến động số dư, thanh toán viện phí, nộp thuế, khác chiếm khoảng 13%.
Vướng mắc hiện tại theo Phó tổng giám đốc VietinBank, Open Banking là xu thế không còn mới nữa nhưng có nhiều hành lang pháp lý chưa được làm rõ. Thứ nhất, giấy phép ngân hàng là có điều kiện, dịch vụ ngân hàng có điều kiện, nếu cung cấp dịch vụ ra ngoài cho đối tác khác thì trách nhiệm cho đúng pháp luật dịch vụ đó thuộc về ai? Ví dụ, công ty về cờ bạc, gaming gọi dịch vụ API để chuyển tiền thì trách nhiệm ngân hàng như thế nào? Bản thân người cung cấp API có trách nhiệm thế nào đảm bảo đúng pháp luật?
Thứ hai, chưa có đơn vị thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ 3 được cấp phép sử dụng Open API của ngân hàng.
Cuối cùng, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân: khi Ngân hàng cung cấp API với các đối tác thứ 3 và ngược lại, cần phải được sự đồng ý của Khách hàng để đảm bảo dữ liệu cá nhân của Khách hàng được sử dụng đúng mục đích.
“Nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho người sử dụng và người cung cấp API”, ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh.