Văn Phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3332/VPCP-KTTH ngày 18/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ… trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Trong 2 tuần qua, giá vàng trong nước liên tục lập nhiều kỷ lục về giá. Đáng chú ý, trong ngày 18/4, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 10,75 triệu – gần 14 triệu đồng/lượng. Từ 2/1/2025 đến 18/4/2025, giá vàng thế giới đã tăng 26,25%; từ mức 2.635 USD/oz lên 3.326,3 USD/oz.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/4, giá vàng miếng SJC được niêm yết phổ biến tại SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu là 117 triệu đồng/lượng chiều mua và 120 triệu đồng/lượng chiều bán, tăng lần lượt 1,5 triệu và 2 triệu đồng so với cuối ngày 17/4.
Cá biệt, Mi Hồng niêm yết bán ra ở mức 122,2 triệu đồng/lượng, còn Ngọc Thẩm nâng giá bán lên tới 123 triệu đồng/lượng, cao nhất thị trường, với chênh lệch mua – bán lên tới 13 triệu đồng/lượng.
Cùng ngày, giá vàng giao ngay trên thế giới điều chỉnh giảm 0,7% so với 17/4, giao dịch ở mức 3.326,3 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (đã bao gồm thuế và phí…), chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới phổ biến ở mức 14,25 triệu đồng mỗi lượng. Tuỳ từng thương hiệu, giá vàng nhẫn “4 số 9” cao hơn giá vàng thế giới từ 10,75 triệu – 13,85 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, ngày 18/4, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới xấp xỉ 14%. Đây là mức chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường bằng cách bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC vào tháng 6 năm ngoái.
Đầu năm 2024, có những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 18 triệu đồng mỗi lượng, tương ứng chênh lệch 25% (tháng 2, 3/2024). Từ tháng 10/6/2024 đến 15/4/2025, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp đáng kể, chỉ còn 2-4 triệu đồng mỗi lượng tương đương 3% đến 5%. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là phiên 18/4, chênh lệch đột ngột nới rộng.
Tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025 gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh từ đầu năm, kéo theo đà tăng của giá vàng trong nước.
Thứ nhất, bất ổn địa chính trị và các xung đột quân sự tiếp tục leo thang trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài, đi kèm với các biện pháp trừng phạt – trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây; xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông là những điểm nóng gây căng thẳng.
Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới và các quỹ đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối, từ đó tạo thêm lực cầu lớn trên thị trường kim loại quý.
Thứ ba, chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố nhằm vào nhiều quốc gia đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an, thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển vào các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-trien-khai-ngay-cac-giai-phap-on-dinh-thi-truong-vang.htm