Từ kinh nghiệm tích luỹ qua hàng chục năm công tác trong ngành ngân hàng, tác giả Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã diễn giải những chủ đề vốn khô cứng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng thành 30 món ăn tinh thần vui nhộn, nhân văn, dễ hấp thụ đối với trẻ em trong cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”.
Nội dung cuốn sách được cấu trúc dựa trên khoảng 30 câu chuyện xoay quanh kiến thức cơ bản liên quan đến tiền (lịch sử của tiền, giá trị kinh tế – xã hội của đồng tiền, tiền điện tử, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá… tác động ra sao đến cuộc sống, ứng xử trong giao dịch tiền tệ, nội tệ, ngoại tệ…); hiểu biết về đầu tư tài chính (chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…); hoặc về ngân hàng (lịch sử, lưu ý khi gửi tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…).
Tuy nhiên, cách thể hiện những nội dung có phần khô cứng và lâu nay vẫn dành cho người lớn được gửi gắm qua hình tượng các nhân vật trong một gia đình gồm: “mẹ Kim Ngân”, “bố Tiết Kiệm”, “em gái Tài Chính” và đặc biệt là nhân vật chính “cậu bé Tín dụng”.
Đây cũng là những nội dung mọi người rất quan tâm hiện nay, với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích một cách dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi như: Lạm phát, giảm phát khác nhau thế nào? Tỉ giá và lãi suất liên quan gì đến nhau?
Hay những kinh nghiệm trong đầu tư: Phân biệt trái phiếu, cổ phiếu và tiền gửi tiết kiệm; Lưu ý gì khi mua bảo hiểm? Lưu ý gì khi gửi tiết kiệm, vay vốn; Lời khuyên trong các giao dịch ngân hàng trên môi trường điện tử; bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thế nào để tránh rủi ro?…
Không những vậy, cuốn truyện còn giúp trẻ em cảm nhận được “cái tình của tiền” thông qua những câu ca dao, tục ngữ thành ngữ về tình yêu thương, nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động như “Thế gian giàu bởi chữ cần/Có mà lười biếng thì thân chẳng còn”, “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, “Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”; về lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, thầy cô: “Lặng nhìn sợi tóc như sương/Vương trên đầu lược mà thương mẹ già”, “Làm người trước liệu hiếu thân/Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con”…
“Các con khi đọc truyện sẽ hiểu thêm về tình yêu lao động, học được tính tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường, với các câu chuyện cảm động trong cuốn truyện tranh này như “Đôi ủng của mẹ và đôi giày mới của con” hay “Bữa cơm của bà”; về lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô qua chuyện “Bức thư tay của Thành Công”, biết ơn những người lính đã chiến đấu hi sinh vì độc lập Tổ quốc trong chuyện “Quyền sổ tiết kiệm và lọ Penicillin”…chị Kim Chi (chung cư Ecolife Capital, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói.
Cuốn sách ra đời trong bối cảnh ngành ngân hàng đã và đang triển khai một số chương trình phổ biến tiếp cận tài chính toàn diện thông qua các hoạt động phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi trong mấy năm gần đây.
Phổ cập tài chính và hiểu biết các kiến thức tài chính cơ bản là một phần quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt năm 2020.
Theo một chuyên gia tài chính, kiến thức tài chính liên quan chặt chẽ đến giáo dục tài chính. Nếu thiếu giáo dục tài chính, khó có thể cải thiện kiến thức tài chính của người dân. Do đó, cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” là học liệu tốt để phổ cập các kiến thức tài chính.
“Trong các hoạt động dự án, chúng tôi luôn tìm những cách làm sáng tạo và thú vị để thúc đẩy tài chính toàn diện. Bằng cách phát động tổ chức Ngày Tiết Kiệm Thế Giới, chúng tôi đã đưa được các kiến thức tài chính vào cuộc sống hàng ngày của sinh viên mà không cần thêm bài giảng nào cả, thay vào đó là tổ chức các sự kiện vui nhộn để truyền đạt kiến thức một cách dễ dàng. Cuốn truyện tranh này dường như là một sản phẩm hoàn hảo để bổ sung cho các hoạt động đó của chúng tôi”, bà Anna Szalwicki – Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức DSIK khu vực Đông Nam Á chia sẻ nhân sự kiện ra mắt sách sáng 14/12/2023, tại Hà Nội.