Phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường carbon và hàm ý chính sách với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức chiều ngày 23/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, khẳng định phát triển thị trường carbon không chỉ là xu hướng ngày càng phổ biến mà còn là nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia.
“Trong các công cụ hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ quan trọng bậc nhất. Việt Nam đã cam kết hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại COP26 và trong tuần sau sẽ diễn ra COP 28 tại UAE, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia đóng góp tích cực, thúc đẩy hợp tác để triển khai cam kết này”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON LÀ CÔNG CỤ QUAN TRỌNG BẬC NHẤT
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, thế giới đang chuyển động rất nhanh trong tiến trình phát triển xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh trở thành một nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Các tiêu chuẩn xanh đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế, với các tiêu chí mới về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động, môi trường.
Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến song phương, đa phương gắn với các lĩnh vực xanh cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội, thời điểm then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh và không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
“Nếu không bắt kịp xu hướng này thì không những không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà còn gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường khó tính, ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn xanh”, ông Vũ lưu ý.
Hơn nữa, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, từ các đối tác phát triển.
Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh nhân loại đang phát động cuộc chiến tranh bảo vệ trái đất. Có nhiều cách thức khác nhau để bảo vệ trái đất và một trong những cách thức đó là phát triển thị trường carbon.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, triển khai chủ trương của Đại hội Đảng XIII, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn phát triển này, nhiều chính sách, công cụ thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được ban hành, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển thị trường carbon.
Ngày 07/01/2022, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong đó đề ra lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Trong bối cảnh xu thế định giá carbon ngày càng phổ biển và trở thành công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Pari, đây sẽ công cụ mang tính thị trường quan trọng, vừa có ý nghĩa điều chỉnh giảm phát thải, vừa tạo doanh thu để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu.
THÁCH THỨC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, việc phát triển thị trường carbon không phải là dễ dàng, từ chiến lược, chính sách đi vào cuộc sống là khoảng cách dài, nhất là với các nước đang phát triển chưa có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh một cách đồng bộ và thống nhất.
Hơn thế nữa, định giá carbon sẽ tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và mô hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi quá trình chuyển đổi công bằng và bao trùm.
Cũng theo ông Vũ, việc phát triển thị trường carbon sẽ đặt ra một loạt các vấn đề cho Việt Nam.
Nổi bật là yêu cầu nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền; cách thức phát huy tín chỉ carbon rừng của các địa phương có tiềm năng; vấn đề về khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tương thích với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; vấn đề về phát triển bao trùm, bảo đảm các chính sách hỗ trợ các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, cấp thiết chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi xanh; hạ tầng và các điều kiện cần thiết để vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các chuyên gia tại hội thảo sẽ cùng nhau phân tích những khía cạnh đa chiều trong phát triển thị trường carbon, không chỉ về mặt kinh tế mà còn bao hàm các yếu tố xã hội, lao động, môi trường, bảo đảm tính công bằng trong quá trình xây dựng thị trường…
Nhờ đó, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương nghiên cứu, sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho phát triển thị trường carbon ở Việt Nam và kết nối, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Để đẩy nhanh tiến trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Ngoại giao mong muốn các đối tác quốc tế, các diễn giả trao đổi nhiều vấn đề trọng tâm.
Một, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và vận hành thị trường carbon, làm rõ các bài học hay, phù hợp với thực tiễn một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.
Hai, đánh giá tác động của xu thế đẩy nhanh định giá carbon hiện nay đối với phương thức quản lý nhà nước của Chính phủ, mô hình, hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.
Ba, khuyến nghị các biện pháp đối với Việt Nam về xây dựng khuôn khổ pháp lý, vận hành sàn giao dịch carbon, bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình phát triển thị trường carbon.
Bốn, đề xuất các cơ chế hợp tác về tín chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon.
Trong quá trình này, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò điều phối, tiên phong, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy xây dựng các khung khổ quan hệ hợp tác xanh với các đối tác quan trọng, có tiềm năng, trong đó có các nội dung hợp tác về thị trường carbon.