ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ THANH TOÁN
Là ngân hàng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, OCB luôn ưu tiên tập trung đầu tư vào hệ thống công nghệ. Trong tháng 5/2024, Ngân hàng đã chính thức giới thiệu phiên bản OCB OMNI 4.0, đáp ứng tối ưu nhu cầu của người tiêu dùng về tốc độ và sự tiện lợi, từ đó thiết lập tiêu chuẩn ngành mới tại Việt Nam.
Sở hữu tính năng thanh toán QR 1 chạm, ứng dụng cho phép giao dịch liền mạch tại hàng ngàn điểm dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử đến du lịch, ứng dụng cũng sở hữu các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, như mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, tiền gửi, vay cùng nhiều tính năng ưu việt khác.
Ngoài OCB OMNI, sản phẩm ngân hàng số dành cho giới trẻ, Liobank được OCB giới thiệu đầu năm 2023 cũng là một trong số ít sản phẩm đã và đang được thị trường Gen Z đón nhận và đánh giá rất cao bởi sự trải nghiệm tiện nghi của công nghệ. Khách hàng có thể Shake to Pay, lắc điện thoại để chuyển khoản.
Tính năng chuyển tiền hồi đáp cũng đang nắm bắt rất tốt thị hiếu của giới trẻ vì khách hàng có thể chuyển tiền hồi đáp cho người đã chuyển đến mà không cần biết số tài khoản, chuyển tiền cho người dùng Liobank trong danh bạ điện thoại, đặt tên thư mục để quản lý hóa đơn tiện ích…
Đặc biệt, khách hàng sẽ được hoàn tiền ngay lập tức đến 10% và được chủ động lựa chọn danh mục hoàn tiền trong tháng. Tính đến tháng 6/2024, Liobank đã xử lí gần 10 triệu giao dịch với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 200% so với 2023.
Bên cạnh đó, giải pháp thanh toán số OCB Propay cũng giúp tiết kiệm 80% thời gian cho doanh nghiệp, thúc đẩy khách hàng sử dụng giải pháp số nhờ ứng dụng công nghệ Open API hiện đại giúp OCB ProPay chuyên biệt kết nối tất cả phần mềm quản lý riêng lẻ của doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng số OCB OMNI, đồng bộ trên một nền tảng duy nhất.
Chuyển đổi số mạnh mẽ đã và đang giúp OCB thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển từ kênh truyền thống sang kênh số, nâng cao hiệu quả thanh toán, đồng thời làm nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển bền vững. Theo kết quả số liệu thống kê cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ, OCB OMNI có số lương giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 52%, lượng tiền gửi có kỳ hạn (Esaving) tăng 53%. Đối với mảng kinh doanh Thẻ, doanh số giao dịch thẻ tăng 27%, thu thuần tăng 32%.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG LÀ ĐIỂM SÁNG, SẴN SÀNG BỨT PHÁ NỬA CUỐI NĂM
Theo báo cáo tài chính, tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết 30/6/2024 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành. Với việc từng bước chuyển dịch cơ cấu khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đưa ra nhiều chương trình, giải pháp tài chính thiết thực, ưu đãi lãi suất cố định, đồng hành cùng quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME tăng gần 18%.
Tính đến hết quý 2/2024, huy động thị trường 1 của OCB giảm nhẹ so với cuối năm 2023 do Ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp hơn, nhờ đó tối ưu hóa chi phí vốn. Tổng thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỷ. Các hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.
Cũng theo báo cáo, với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của Ngân hàng đạt 2.113 tỷ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lãnh đạo OCB cho biết: “Doanh nghiệp và người dân hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc ngân hàng trên toàn hệ thống phải đối mặt với vấn đề nợ xấu cao. Chính vì vậy, để tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số khó lường, OCB đã tiến hành tăng chi phí dự phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn hiện tại nhưng sẽ là nền tảng lâu dài cho việc phát triển bền vững của ngân hàng”.
Được biết, cuối năm 2023, OCB đã mở mới 10 chi nhánh/phòng giao dịch. Năm 2024, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng tiếp tục dự kiến mở mới thêm 17 chi nhánh/phòng giao dịch, nâng điểm giao dịch lên 176 tại 48 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhân sự của ngân hàng trong 6 tháng tăng thêm 12%,chi phí phúc lợi dành cho nhân viên và thu nhập cũng có sự cải thiện, tăng 15%.
Tính tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu, các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản được kiểm soát tốt, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2024 được xem là năm quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của OCB. Vì thế, trong những tháng cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nhóm khách hàng cá nhân theo phân khúc trung và cao cấp với những sản phẩm “may đo” phù hợp với từng nhu cầu chuyên biệt; Tận dụng tối đa nguồn lực, quy trình vận hành, ưu tiên hỗ trợ kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch. Bên cạnh đó, áp dụng những chính sách mới, hiệu quả, nhằm tăng chất lượng tín dụng, tăng tốc xử lý nợ xấu và chuyển đổi số.
“6 tháng đầu năm, với những yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan từ thị trường cùng với việc chủ động đưa ra nhiều chính sách đồng hành cùng khách hàng cũng như tăng chi phí đầu tư công nghệ, chi phí nhân sự đã khiến kết quả quý 2 cũng như lũy kế 6 tháng của OCB chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng ổn định, minh bạch, bền vững, cùng chiến lược rõ ràng và kế hoạch hành động cụ thể, tôi kỳ vọng 6 tháng cuối năm, ngân hàng sẽ có thành quả tốt hơn”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ocb-day-manh-chuyen-doi-so-nang-cao-chat-luong-tai-san.htm