Cuộc bán tháo tài sản trên thị trường tài chính toàn cầu vào hôm thứ Hai tuần trước – đến thời điểm hiện tại – có vẻ chỉ còn là một chấn động thoáng qua, một cơn hoảng loạn ngắn xuất phát từ sự dịch chuyển chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái.
Tuy nhiên, bán tháo xảy ra quá nhanh và cũng lắng xuống một cách nhanh chóng đã cho thấy thị trường dễ tổn thương như thế nào với giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) – chiến lược mà ở đó các quỹ phòng hộ (hedge fund) đi vay hàng trăm tỷ USD bằng những đồng tiền lãi suất thấp như đồng yên Nhật để đầu tư vào gần như tất cả mọi ngóc ngách trên thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, carry-trade vốn là một công thức sinh lời dễ dàng: vay tiền ở Nhật Bản – nền kinh tế cuối cùng trên thế giới áp dụng mức lãi suất siêu thấp – sau đó đầu tư vào trái phiếu Mexico, tài sản có lợi suất trên 10%, vào cổ phiếu Nvidia đang tăng vọt, hoặc thậm chí vào tiền ảo bitcoin. Khi đồng yên liên tục mất giá, những khoản vay bằng yên đó càng trở nên rẻ hơn để trả lại, và lợi tức từ những giao dịch như vậy càng trở nên lớn hơn.
HOẠT ĐỘNG CARRY-TRADE LỚN CỠ NÀO?
Nhưng đột nhiên, dường như tất cả các nhà đầu tư đồng loạt rút khỏi giao dịch carry-trade, và điều này góp phần thúc đẩy sự phục hồi dữ dội của đồng yên, từ đó dẫn tới một cuộc tháo chạy nhanh chóng khỏi cổ phiếu và các loại tiền tệ khác do các nhà giao dịch phải bán tháo tài sản để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ. Cú tăng ngoài dự kiến của đồng yên cũng làm rung chuyển thị trường chứng khoán Nhật Bản, khiến chỉ số Nikkei 225 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch kể từ năm 1987, do nhà đầu tư lo ngại sự tăng giá của đồng tiền sẽ cản trở các nhà xuất khẩu.
“Giao dịch carry-trade đồng yên vẫn là trung tâm của tất cả mọi thứ trên thị trường ở thời điểm hiện tại”, ông David Lutz, trưởng bộ phận quỹ ETF tại công ty JonesTrading, nhận định.
Áp lực đã âm ỉ hình thành từ mấy tuần trước, khi những thị trường mạnh nhất của giao dịch carry-trade bát đầu suy yếu. Trong đó phải kể tới việc chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ giảm từ mức cao kỷ lục và nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể đã trì hoãn quá lâu việc tăng lãi suất, đặt nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái.
Và sau đó, “mồi lửa” xuất hiện, là động thái tăng lãi suất ngoài dự báo của BOJ. Lần tăng lãi suất thứ hai trong năm nay của BOJ đưa lãi suất cơ bản của đồng yên lên mức 0,25%, vẫn là mức lãi suất thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, động thái nâng lãi suất này cũng đủ để khiến nhà đầu tư phải thay đổi quan niệm bấy lâu nay của họ rằng lãi suất đi vay ở Nhật Bản sẽ luôn được ghim ở mức gần 0.
Hiện tại, thị trường đã ổn định trở lại, nhưng những gì xảy ra đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về lượng đòn bẩy nợ mà giới đầu tư đã vay ở Nhật Bản khi BOJ duy trì việc bơm tiền vào nền kinh tế bất chấp lạm phát ở nước này đang có chiều hướng tăng mạnh. Điều này khiến thị trường lo ngại liệu sự đảo ngược của carry-trade đã gần hoàn tất hay chưa, hay sẽ còn tiếp diễn và gây ra những làn sóng bán tháo trên thị trường trong những tuần sắp tới.
Không dễ để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này vì không có một con số chính thức nào về lượng tiền được đổ vào carry-trade. Theo dữ liệu từ công ty GlobalData TS Lombard, đã có khoảng 1,1 nghìn tỷ USD được rót vào loại hình giao dịch này, dựa trên giả thiết cho rằng toàn bộ lượng tiền mà nhà đầu tư nước ngoài đã vay từ Nhật Bản kể từ cuối năm 2022 đều được dùng cho carry-trade và nhà đầu tư ở Nhật cũng sử dụng đòn bẩy tài chính để mua tài sản ở nước ngoài.
Sau cú đảo ngược đầy kịch tính vào tuần trước của carry-trade, các chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng khoảng 3/4 tổng vị thế carry-trade tiền tệ trên toàn cầu đã được đóng lại. Ngân hàng Citigroup nhận định lượng carry-trade còn lại đã giảm về mức đủ thấp để đưa thị trường ra khỏi “vùng nguy hiểm”.
Tuy nhiên, những tổ chức khác như ngân hàng BNY tin rằng việc đảo ngược carry-trade sẽ còn tiếp diễn, thậm chí có thể đẩy đồng yên tăng giá lên vùng 100 yên đổi 1 USD, đồng nghĩa đồng USD sẽ giảm giá 30% so với yên nếu so với mức tỷ giá USD/yên kết thúc tuần vừa rồi.
LỊCH SỬ BONG BÓNG CARRY-TRADE
“Giao dịch carry-trade có thể tiếp tục đảo ngược. Tuy nhiên, phần nguy hiểm nhất của sự vỡ bong bóng này đã qua đi”, trưởng chiến lược tiền tệ G10 của ngân hàng Standard Bank ở London, ông Steven Barrow, nhận định trong một báo cáo.
Bong bóng carry-trade, theo cách gọi của ông Barrow, có mầm mống từ nhiều thập kỷ trước. Vào những năm 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản rơi và trì trệ vì vỡ bong bóng bất động sản, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này đã cắt giảm lãi suất về 0. Thậm chí, các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cho rằng carry-trade là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tuy nhiên, đến năm 2016, BOJ thậm chí còn cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng 0.
Động lực để các nhà đầu cơ vay tiền ở Nhật Bản càng tăng thêm khi các ngân hàng trung ương khác bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất để chống lại sự leo thang của lạm phát sau khi các biện pháp chống đại dịch Covid-19 được gỡ bỏ. Khi lãi suất tăng lên trên toàn cầu, BOJ vẫn giữ lãi suất dưới 0, khiến giao dịch carry-trade mang lại lợi nhuận càng lớn hơn cho nhà đầu tư.
Hệ quả là một dòng tiền đầu cơ khổng lồ chảy khỏi Nhật Bản, gây áp lực giảm giá đối với đồng yên bởi các nhà giao dịch bán yên để mua đồng tiền của những quốc gia mà họ rót tiền vào. Ảnh hưởng của hoạt động này được thể hiện rõ ở Mỹ Latin – khu vực thường có lãi suất cao hơn nhiều so với ở Mỹ và châu Âu. Năm 2022 và 2023, những đồng tiền như real Brazil và peso Mexio đã tăng giá chóng mặt, trở thành những đồng tiền tăng giá thuộc hàng mạnh nhất thế giới.
Một ví dụ cho thấy khả năng sinh lời ấn tượng của carry-trade là việc vay nợ bằng đồng yên và đầu tư vào Mexico mang lại lợi tức 40% trong năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm nay, carry-trade bằng cách vay yên Nhật để đầu tư vào một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mang lại lợi tức 17%.
“Cách đây vài tháng, đầu cơ giá lên đồng peso Mexico là một giao dịch không cần phải nghĩ ngợi. Nhưng những ngày đó đã qua rồi”, ông Alejandro Cuadrado – trưởng chiến lược ngoại hối của ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA ở New York – phát biểu.
Khi đồng yên bắt đầu hồi phục sau khi chạm đáy của 38 năm vào đầu tháng 7, các nhà giao dịch carry-trade vội mua vào đồng yên để chốt lời, và điều này lại đẩy đồng yên tăng giá mạnh hơn nữa, dẫn tới một vòng xoáy tăng giá tự mạnh lên. BOJ “thêm dầu vào lửa” bằng động thái tăng lãi suất hôm 31/7, cộng thêm mối lo suy thoái kinh tế Mỹ khiến các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ phải ồ ạt hạ lãi suất.
Sau cú giảm hơn 12% của chứng khoán Nhật hôm 5/8, Phó thống đốc BOJ Shinichi Uchida trấn an nhà đầu tư rằng cơ quan này sẽ không tăng lãi suất chừng nào thị trường còn chưa ổn định. Thị trường đã bình ổn sau những phiên gần đây, và có những dấu hiệu cho thấy các quỹ phòng hộ đã rút lại một số đặt cược vào khả năng tăng giá cao hơn của đồng yên.
Các nhà giao dịch cho rằng thị trường ngoại hối có thể sẽ biến động nhiều hơn trong năm nay, và kỳ vọng này có thể sẽ khiến giao dịch carry-trade giảm bớt sức hấp dẫn. Một phần sức hút của giao dịch carry-trade đến từ sự ổn định của thị trường ngoại hối, bên cạnh việc duy trì xu hướng mất giá của đồng yên.
“Không giao dịch nào có thể kéo dài mãi mãi. Thực tế đã thay đổi. BOJ đang thắt chặt và có một thứ gì đó phải đứt gãy. Trong trường hợp này, đó là carry-trade”, nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của công ty Brandywine Global Investment Management phát biểu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/noi-am-anh-mang-ten-carry-trade.htm