Phiên giao dịch ngày 25/9 tại thị trường New York, đồng USD tăng hơn 1% so với yên, đạt 144,68 yên đổi 1 USD. Trong phiên, có lúc tỷ giá đồng bạc xanh đạt 144,75 yên/USD, mức cao nhất của USD so với đồng tiền của Nhật Bản kể từ hôm 3/9.
Đồng yên chịu áp lực giảm giá trong những ngày gần đây, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda phát tín hiệu không vội tăng thêm lãi suất. Những phát biểu đó của ông Ueda đã gần như dập tắt hy vọng trước đó của thị trường rằng BOJ sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 10.
Dù vậy, trong quý 3 này, đồng yên đã tăng giá 12% so với USD, trở thành đồng tăng giá mạnh nhất trong số 17 đồng tiền được Bloomberg theo dõi. Nhưng theo hãng tin này, không khó để tìm ra những lý do vì sao xu hướng tăng của tỷ giá đồng yên sẽ không duy trì lâu, từ yếu tố dòng vốn cho tới vị thế đặt cược của nhà đầu tư.
Thứ nhất, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu và dân số lão hóa của Nhật Bản khuyến khích các công ty quản lý quỹ và doanh nghiệp của nước này đầu tư ra nước ngoài thay vì trong nước, ngay cả sau khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù tốc độ mua trái phiếu nước ngoài của nhà đầu tư Nhật Bản đã chậm lại trong năm nay, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật ra nước ngoài vẫn tăng mạnh, dẫn tới lượng vốn ròng chảy khỏi nước này từ đầu năm tới nay là 9,42 nghìn tỷ yên, tương đương 66 tỷ USD.
Tình hình cán cân thương mại của Nhật Bản cũng tương tự. Thâm hụt thương mại của nước này đã giảm sau mức đỉnh thiết lập vào năm 2022, nhưng tình trạng thâm hụt đã duy trì suốt 3 năm qua.
“Xu hướng cốt lõi vẫn là bán đồng yên. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nghĩ rằng lợi nhuận lớn chỉ có thể kiếm được ở bên ngoài chứ không phải ở Nhật Bản”, trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối tại chi nhánh Tokyo của State Street Bank & Trust Company, nói với Bloomberg.
Và thứ hai, toàn bộ đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản vẫn đang thấp hơn tỷ lệ lạm phát của nước này dù BOJ đã có 2 lần tăng lãi suất trong năm nay. Đây là một sư đối lập so với những gì diễn ra ở các nền kinh tế lớn khác chẳng hạn như Mỹ, nơi lãi suất thực đang ở trạng thái dương. Bởi vậy, những thị trường đó trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm hôm 18/9 được coi là một nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Nếu kịch bản hạ cánh mềm trở thành hiện thực, đà giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và xu hướng tăng giá của đồng yên có thể bị hãm lại.
“Đồng yên vẫn dễ tổn thương trước áp lực bán, bởi lợi suất thực ở Nhật còn trong trạng thái âm. Xét tới việc nền kinh tế Mỹ khó xảy ra tình trạng sụt tốc đột ngột, có khả năng việc thu hẹp khoảng cách lợi suất thực giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ chững lại”, trưởng phân tích Jun Kato của công ty Shinkin Asset Management phát biểu.
Hôm thứ Sáu tuần trước, BOJ giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0,25%. Thống đốc Ueda nói rủi ro lạm phát tăng do đồng yên suy yếu đã dịu đi, và điều đó mang lại cho ông dư địa để cân nhắc chính sách tiền tệ.
Mối hoài nghi về sự bền vững trong xu hướng tăng của đồng yên có thể sẽ khiến các nhà đầu cơ nghĩ lại về vị thế đầu cơ giá lên đồng yên. Mức đặt cược vào sự tăng giá của yên đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2021 trong tháng này. Lãi suất thấp của Nhật Bản trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đồng nghĩa nhà đầu tư có thể hứng thua lỗ với các vị thế đầu cơ giá lên đồng yên, trừ phi đồng tiền này tăng giá ở mức đủ để bù đắp chênh lệch lợi suất.
“Từ nay trở đi, khó có chuyện các nhà đầu cơ sẽ gia tăng vị thế đầu cơ giá lên đồng yên. Thị trường đã phản ánh vào tỷ giá giữa đồng yên và USD một lượng cắt giảm lãi suất lớn của Fed. Bởi vậy, động lực để mua vào đồng yên do chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và Nhật Bản có thể đã đạt mức tối đa rồi”, chiến lược gia ngoại hối cấp cao Hideki Shibata của công ty Tokai Tokyo Intelligence Laboratory nhận định với Bloomberg.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nhung-yeu-to-co-the-khien-dong-yen-nhat-giam-gia-tro-lai.htm