Ngày 13/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về ba nội dung quan trọng, trong đó có dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT).
GIẢM THU 35.000 TỶ NHƯNG TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tóm tắt dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nêu rõ mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Về nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết số 43), trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT năm 2022. Việc giảm thuế VAT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, “bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế”, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ rõ.
Cụ thể, quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành chính của cơ quan thuế.
“Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); đồng thời, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%”.
Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế VAT dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về tác động đến các cam kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định qua rà soát về các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.
CÓ NÊN MỞ RỘNG PHẠM VI GIẢM THUẾ VAT VỚI NGÂN HÀNG, BẤT ĐỘNG SẢN, CÔNG NGHỆ?
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế VAT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý 4/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Để việc giảm thuế VAT có thể kịp thời đi vào thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, thời hạn Chính phủ gửi hồ sơ dự án Nghị quyết và đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, chưa tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ và gây bị động cho các cơ quan trong quá trình thẩm tra.
Cũng theo bà Chi, so với Nghị quyết số 43, dự thảo của Chính phủ mở rộng phạm vi giảm thuế VAT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Trước đó, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT. Hơn nữa, vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43.
Với quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết so với năm 2022, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị nội dung giảm thuế VAT của dự thảo Nghị quyết về cơ bản lấy theo Nghị quyết số 43.
Cơ bản tán thành nội dung dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, lại cho rằng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bởi đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng nên không loại trừ. Bên cạnh đó, đề nghị báo cáo thêm về sự cần thiết giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 5%.
Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất giảm thuế VAT vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế VAT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp.
Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tác động chính sách giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10% và tác động đến kích thích tiêu dùng như thế nào; đồng thời, tác động của chính sách đến giảm thu ngân sách nhà nước, để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023. Đồng thời, yêu cầu tổ chức thực hiện để khả thi, vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.