Nguy cơ sụp đổ của Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ – đã khiến nhà chức trách Thuỵ Sỹ không có nhiều lựa chọn khả quan. Một vụ sáp nhập Credit Suisse vào đối thủ lớn hơn UBS là cơ hội tốt nhất để lập lại ổn định trong hệ thống ngân hàng toàn cầu và tại Thuỵ Sỹ, đồng thời bảo vệ nền kinh tế nước này trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, “cuộc hôn nhân sắp đặt” Credit Suisse-UBS mang tới cho Thuỵ Sỹ một định chế tài chính khổng lồ đồng nghĩa với mức độ rủi ro lớn hơn, và cũng chưa ai dám chắc siêu thương vụ này sẽ thành công tới mức nào.
RỦI RO ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ THUỴ SỸ
“Một trong những sự thật đã được minh chứng trong các nghiên cứu học thuật là các vụ sáp nhập ngân hàng hiếm khi thành công”, giáo sư tài chính Arturo Bris thuộc trường kinh doanh IMD của Thuỵ Sỹ nhận định với trang CNN Money.
Dư luận cũng lo ngại rằng thoả thuận này sẽ dẫn tới mất mát một lượng việc làm lớn ở Thuỵ Sỹ và làm suy yếu ngành tài chính – xương sống của nền kinh tế nước này. Tài chính là lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho 212.000 người, tương đương hơn 5% lực lượng lao động Thuỵ Sỹ.
Việc Credit Suisse về chung một nhà với UBS có thể sẽ làm tăng thêm kế hoạch cắt giảm 9.000 vị trí mà Credit Suisse đã công bố trước đó trong chương trình tái cơ cấu của ngân hàng này. Tính chung, hai ngân hàng có tổng cộng hơn 37.000 nhân viên ở Thuỵ Sỹ, chiếm khoảng 18% tổng lực lượng lao động trong ngành tài chính ở nước này. “Chi nhánh Credit Suisse ở thành phố tôi sống đặt ngay trước một chi nhánh của UBS. Điều này đồng nghĩa một trong hai chi nhánh sẽ phải đóng cửa”, ông Bris nói.
Trao đổi với các nhà phân tích, CEO Ralph Hamers của UBS cho biết ngân hàng sau sáp nhập sẽ cố gắng cắt giảm 8 tỷ Franc (8,9 tỷ USD) chi phí mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2027, trong đó 6 tỷ Franc (6,5 tỷ USD) sẽ được tiết kiệm thông qua giảm số nhân viên.
Không chỉ không bảo vệ được việc làm ở Thuỵ Sỹ, thoả thuận được dàn xếp chóng vánh này còn không có một điều khoản đặc biệt nào về vấn đề cạnh tranh. UBS giờ đây có sức mạnh “gần như độc quyền” và điều này có thể làm gia tăng giá dịch vụ ngân hàng ở Thuỵ Sỹ – theo ông Bris.
Trong khi đó, người đóng thuế Thuỵ Sỹ đang có nguy cơ phải gánh khoản thua lỗ 9 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương 9,8 tỷ USD, có thể phát sinh từ một số tài sản nhất định của UBS, trong trường hợp số lỗ vượt 5 tỷ USD (5,4 tỷ USD). Ngoài ra, Chính phủ Thuỵ Sỹ còn cam kết bơm cho UBS 100 tỷ Franc (109 tỷ USD) nếu cần để phục vụ cho cuộc sáp nhập, nhưng số tiền này sẽ được hoàn trả.
Đảng Dân chủ Xã hội của Thuỵ Sỹ đã kêu gọi một cuộc điều tra để xác định xem chuyện gì đã xảy a ở Credit Suisse. Họ cho rằng “siêu ngân hàng” ra đời từ vụ sáp nhập này làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế Thuỵ Sỹ.
“Cái chết” của Credit Suisse, một trong những định chế tài chính lâu đời nhất Thuỵ Sỹ, là một cú sốc đối với nhiều người dân nước này. Theo giáo sư kinh tế vĩ mô Hans Gersbach thuộc Đại học ETH ở Zurich, Credit Suisse là “một phần bản sắc của Thuỵ Sỹ” và “đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thuỵ Sỹ hiện đại”.
Biến cố đối với Credit Suisse cũng là suy giảm danh tiếng của Thuỵ Sỹ với tư cách một trung tâm tài chính an toàn và ổn định của thế giới, nhất là sau khi Chính phủ Thuỵ Sỹ bỏ qua quyền bầu của cổ đông để thương vụ được hoàn thiện một cách gấp rút. Ngoài ra, nhà chức trách Thuỵ Sỹ cũng xoá sạch giá trị 17 tỷ USD trái phiếu AT1, đồng nghĩa đặt cổ đông lên trên trái chủ, đảo ngược trật tự đảm bảo quyền lợi truyền thống trong trường hợp xảy ra đổ vỡ một ngân hàng. Điều này một lần nữa là một đòn giáng vào uy tín của Thuỵ Sỹ trong mắt nhà đầu tư.
“Ảnh hưởng của vụ này đối với Thuỵ Sỹ là rất tệ. Đầu tiên, uy tín của Thuỵ Sỹ đã hứng chịu tổn thất mãi mãi”, ông Bris nhận định.
Khi uy tín của Thuỵ Sỹ đi xuống, các trung tâm quản lý tài sản toàn cầu khác, bao gồm Singapore, sẽ hưởng lợi. Singapore “đang ăn mừng… vì sẽ có một dòng vốn lớn chảy vào các trung tâm quản lý tài sản khác” – ông Bris nói.
MỘT NGÂN HÀNG QUÁ LỚN ĐỂ ĐỔ VỠ?
Ở mức khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập lớn gấp đôi tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của Thuỵ Sỹ. Về tiền gửi và vốn vay trong nước, ngân hàng sau sáp nhập cũng lớn hơn cả hai ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong nước hiện nay gộp lại.
Ngân hàng mới cũng chiếm khoảng 30% thị phần ngân hàng ở Thuỵ Sỹ – một tỷ lệ mà các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase cho là “quá nhiều sự tập trung rủi ro và kiểm soát thị phần”. Báo cáo của JPMorgan Chase khuyến nghị thực thể sau sáp nhập nên rút khỏi hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) một số bộ phận.
Việc có một ngân hàng siêu lớn trong một nền kinh tế nhỏ là nếu ngân hàng đó bị rút tiền ồ ạt hoặc cần giải cứu – như UBS đã từng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – chính phủ có thể không đủ năng lực tài chính để can thiệp.
Ở mức 333 tỷ Franc, tương đương 363 tỷ USD, lượng tiền gửi trong nước tại ngân hàng ra đời từ vụ sáp nhập tương đương 45% GDP của Thuỵ Sỹ, một tỷ lệ quá lớn ngay cả đối với một quốc gia có nền tài chính công lành mạnh và mức nợ thấp.
Nhưng mặt khác, UBS giờ đây đã có vị thế mạnh hơn nhiều so với trong khủng hoảng tài chính 2008 và sẽ phải xây dựng tấm đệm tài chính thậm chí còn dày hơn do chính việc có thêm Credit Suisse. Cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA đã nói “sẽ theo rất sát giao dịch này và việc các bên tuân thủ các quy định của pháp luật”.
Trong cuộc họp báo hôm 20/3 khi công bố thương vụ, Chủ tịch UBS Colm Kelleher nhấn mạnh về tình trạng lành mạnh của bảng cân đối kế toán ngân hàng này. “Với vai trò là Giám đốc tài chính của Morgan Stanley trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước, tôi nhận thức rõ về tầm quan trọng của một bảng cân đối kế toán mạnh. UBS sẽ tiếp tục giữ được trạng thái cực kỳ vững chãi”, ông nói. Vị Chủ tịch nói thêm rằng UBS sẽ cắt giảm mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và đưa ngân hàng được mua lại “vào khuôn khổ văn hoá thận trọng với rủi ro của chúng tôi”.
Ở một góc nhìn ít bi quan hơn, chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Âu của Capital Economics, ông Andrew Kenningham, nói rằng “vấn đề tập trung thị trường ở Thuỵ Sỹ là việc cần phải được giải quyết trong tương lai. Thị phần 30% là cao hơn nhiều so với mong muốn lý tưởng, nhưng chưa cao tới mức là một chuyện lớn”. Vụ sáp nhập “giống như một cuộc phẫu thuật đã loại bỏ phần đáng lo ngại nhất trong hệ thống ngân hàng của Thuỵ Sỹ, đưa hệ thống này trở nên khoẻ hơn”, ông Kenningham nói thêm.
Dù Thuỵ Sỹ có hàng chục ngân hàng khu vực nhỏ hơn và các ngân hàng tiết kiệm, UBS giờ đây có địa vị thống trị càng lớn hơn. “Bất kỳ việc gì họ làm cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường”, ông Gersbach nhấn mạnh.
Mảng kinh doanh ngân hàng của Credit Suisse ở Thuỵ Sỹ, chắc chắn là bộ phận quý giá nhất của ngân hàng này, lẽ ra có thể trở thành đối tượng của một vụ bán lại trong tương lai. Nhưng giờ đây, điều đó ít khả năng xảy ra, vì UBS đã nói rõ ý định giữ bộ phận này lại. “Bộ phận ngân hàng ở Thuỵ Sỹ của UBS là một tài sản tốt mà chúng tôi quyết tâm giữ”, ông Kelleher nói.
SỰ HOÀ NHẬP KHÓ KHĂN
Với mức giá 3,25 tỷ USD, UBS có được Credit Suisse rẻ hơn 60% so với giá trị vốn hoá thị trường của ngân hàng này chỉ 2 ngày trước vụ sáp nhập. Nhưng đây có phải là một món hời hay không vẫn là chuyện phải chờ xem. Những vụ sáp nhập lớn thường có nhiều rủi ro và thường không mang lại đúng lợi ích như đã hứa hẹn với cổ đông.
UBS cho rằng bằng cách mở rộng mảng quản lý gia sản và quản lý tài sản, thoả thuận sẽ thúc đẩy lợi ích dài hạn cho cổ đông. UBS dự kiến đến năm 2027, vụ sáp nhập sẽ bắt đầu giúp lợi nhuận của ngân hàng tăng lên.
Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất sau vài tháng, nhưng việc sáp nhập hoàn toàn hai định chế vào nhau sẽ mất 3-5 năm, theo Chủ tịch Phillip Straley của công ty phân tích dữ liệu FNA. “Rủi ro trong quá trình hai ngân hàng hoà nhập là rất lớn”, ông nói.
Theo chuyên gia Kenningham của Capital Economics, “lịch sử của các vụ sáp nhập vội vã trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy kết quả không đồng nhất”.
“Một số vụ, chẳng hạn vụ ING mua Barings vào năm 1995 đã được chứng minh là bền lâu. Nhưng một số vụ khác, chẳng hạn những vụ trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, chẳng mấy chốc đã đặt ra câu hỏi về năng lực thực thi thoả thuận của ngân hàng thực hiện vụ mua lại, một số khác thì rất khó để thực thi”.