Ngày 23/5, tại Tokyo (Nhật Bản), đoàn công tác của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có buổi làm việc với Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA), nhằm trao đổi về hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, đặc biệt là cấp giám sát tại các tổ chức trung gian.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của JFSA dành cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các đợt chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, giám sát thị trường và đào tạo cán bộ.
Trong thời gian tới, đại diện đoàn công tác của Việt Nam cũng mong muốn JFSA tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, đặc biệt trong việc phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam” giai đoạn 2024 – 2027.
Đồng thời, JFSA tiếp tục hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc đưa cán bộ sang học tập và nghiên cứu tại JFSA, nhằm tăng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, giám sát, phát triển thị trường chứng khoán.
Thông tin với đoàn công tác trong buổi làm việc, ông Nakajima Junichi, Chủ tịch JFSA, cho biết ngay sau buổi làm việc với Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Việt Nam vào tháng 3/2023, lãnh đạo JFSA đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai ngay các nhiệm vụ cụ thể; đẩy mạnh các dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực tài chính nói chung, trong đó bao gồm cả lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Từ chuyến công tác nói trên, đoàn Việt Nam cũng nhận thấy nhiều vấn đề đáng tham khảo trong quá trình vận hành các đơn vị chức năng thuộc JFSA đối với thực tiễn quản lý, giám sát thị trường, nhất là cơ chế giám sát 3 cấp trên thị trường chứng khoán Nhật Bản bao gồm: công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, tại Nhật Bản, công ty chứng khoán phải có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống giám sát giao dịch của nhà đầu tư là khách hàng tại công ty. Đồng thời, khi phát hiện các giao dịch có dấu hiện bất thường, công ty chứng khoán phải thực hiện xác minh, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, phải báo cáo cho sở giao dịch chứng khoán và cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng của JFSA cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm giám sát, điều tra các hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán như giao dịch nội gián, thao túng giá chứng khoán và các vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.