Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ. Hội thảo diễn ra ngày 13/6/2024.
Một trong những nhóm vấn đề nổi bật được đưa ra lấy ý kiến thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hiện nay là : Đầu tư tài chính cho Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, trong đó nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ưu đãi về thuế; nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài bỏ ngăn kéo”.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2013 có hiệu lực từ ngày 01/1/2014 cơ bản đã phát huy vai trò quan trọng trong tạo hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động Khoa học và Công nghệ, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Khoa học và Công nghệ…
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định của luật Khoa học và Công nghệ đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Không những thế, việc sửa đổi luật còn góp phần đáp ứng những yêu cầu mới trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15, trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo kế hoạch dự kiến, dự án Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Ông Nguyễn Phương Tuấn khẳng định Luật Khoa học và Công nghệ là đạo luật gốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật này do Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Trưởng Ban và thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, cơ quan.
Tại Hội thảo, có 7 nhóm vấn đề lớn đã được tập trung thảo luận góp ý kiến.
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó bổ sung phạm vi Đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, đầu tư tài chính cho Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, trong đó nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ phát triển Khoa học công nghệ, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ưu đãi về thuế.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, nghiên cứu về cách thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài bỏ ngăn kéo”.
Thứ năm, hoàn thiện quy định được thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ, hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.
Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Thứ bảy, đề xuất thêm nội dung sửa đổi, bổ sung (nếu có).
NÊN MỞ RỘNG NỘI DUNG CHI CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Đóng góp ý kiến vào sửa đổi luật, chuyên gia chính sách Khoa học và Công nghệ Tập đoàn Viettel cho rằng để thúc đẩy doanh nghiệp hàng đầu phát triển thì nội dung chi cho khoa học công nghệ phải mở rộng.
Vì vậy, việc sửa đổi luật vẫn nên duy trì Quỹ phát triển Khoa học công nghệ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp, tập đoàn có định hướng hoạt động trong dài hạn. Việc trích lập Quỹ nên dành cho doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì nên được tạo điều kiện giảm thuế trong việc sử dụng Quỹ phát triển Khao học công nghệ.
Chuyên gia này cũng đề nghị trong Luật nên có quy định Quỹ Khoa học công nghệ tập trung vào hoạt động có tính rủi ro cao, phát triển sản phẩm nền tảng, công nghệ mũi nhọn.
Đề cập về phát triển nguồn nhân lực, việc sửa đổi luật nên chú ý đến có chức danh, phân cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn để có thể khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tốt vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Liên quan đến Quỹ phát triển Khoa học công nghệ, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng để tạo động lực cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động, nên tạo điều kiện cho họ sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghê.
Trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) nên có quy định riêng cho doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Quỹ khác với doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, trong luật cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong việc sử dụng Quỹ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.
Một số ý kiến đề xuất nên có ưu đãi cho phát triển khoa học công nghệ như ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp công nghệ. Trong hoạt động phát triển khoa học công nghệ nên có khoản tài trợ cho Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ do Nhà nước đặt hàng, ưu tiên đầu tư thì nên cho công khai minh bạch về dữ liệu để người dân truy cập, theo dõi và sử dụng tự do. Coi sản phẩm công nghệ là sản phẩm công ích, sở hữu toàn dân.
Ông Nguyễn Phương Tuấn cho hay Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có báo cáo với lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo Quốc hội để có cơ sở khoa học, luận cứ chính xác cho việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nghien-cuu-quy-dinh-chap-nhan-rui-ro-trong-khoa-hoc-cong-nghe-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat.htm