Liên quan đến vi phạm về hóa đơn thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của việc thành lập doanh nghiệp theo quy định để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp khống núp bóng sản xuất kinh doanh nhưng mục đích chính là bán hóa đơn khống thu lợi bất chính. Một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Theo đó, các đối tượng kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước; hoặc sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn. Bên cạnh đó, có đối tượng sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước.
Bên cạnh tăng cường công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện thủ tục đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông, nhằm ngăn chặn người nộp thuế gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử thông qua công tác đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế.
Cụ thể, thứ nhất, về quy định thành lập doanh nghiệp mới.
Tổng cục Thuế cung cấp thông tin về cá nhân người thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp vi phạm do cơ quan thuế quản lý.
Sau đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cập nhật danh sách cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật do Tổng cục Thuế cung cấp nêu trên.
Từ đó, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, giải trình trước khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 216 của Luật Doanh nghiệp.
“Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo các cấp có thẩm quyền về đề xuất sửa đổi luật và nghị định đăng ký doanh nghiệp để cá nhân người thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp chỉ được thành lập doanh nghiệp mới nếu hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, đảm bảo kiểm soát việc thành lập doanh nghiệp của các đối tượng này”, đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ.
Thứ hai, về kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phối hợp với Tổng cục Thuế đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp.
Điều này dựa trên Quy chế phối hợp số 3205/QCPH-QLHC-KH&ĐT đã ký kết ngày 25/5/2022 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc kết nối, xác thực, khai thác và đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Chuyển thông tin đã đồng bộ, xác thực định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp cho Tổng cục Thuế để cập nhật thông tin tại cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế đảm bảo thống nhất.
Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư bổ sung Quy chế các quy định về định danh và xác thực điện tử theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/09/2022 của Chính phủ khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh bằng phương thức điện tử của doanh nghiệp, cá nhân nhằm đảm bảo thống nhất và tính xác thực cao hơn, chặt chẽ hơn.
Thứ ba, về tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định về đăng ký doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế phải khắc phục các vi phạm trước khi tạm ngừng kinh doanh theo thông tin cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cơ quan thuế, cơ quan hải quan sẽ truyền thông tin vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh để kiểm tra và phối hợp xử lý chấp thuận/không chấp thuận hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ tư, về xử lý người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp của các doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký không được tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp khác.
Hoặc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đã không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp mới.
Đồng thời, sửa quy định tại Nghị định đăng ký kinh doanh để rút ngắn thời gian thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp trạng thái “06-NNT” – không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm còn 90 ngày, kể từ ngày công khai thông tin người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, nếu doanh nghiệp không báo cáo, không giải trình với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nganh-thue-muon-chan-mua-ban-hoa-don-khong-tu-khau-dang-ky-kinh-doanh.htm