Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Theo đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1 – 2%/năm.
Cùng đó, dòng hướng vốn tín dụng ưu tiên các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội…, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Các ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý 2 năm 2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Các ngân hàng thương mại đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn.
Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương trình, chính sách của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các ngân hàng chủ động tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Xu hướng tăng lãi suất huy động xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5, phần lớn đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Tính từ đầu tháng 5/2024, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, BacA Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB, MB, Cake by VPbank.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 3 tháng hiện nay là 3,4%/năm, tại Nam Á Bank.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 6 tháng hiện nay là 5%/năm, được áp dụng tại CBBank.
BacA Bank là ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất hệ thống, 5,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 24 tháng hiện nay là 5,9%/năm, áp dụng tại OceanBank và BacA Bank.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ngan-hang-nha-nuoc-muon-tang-truong-tin-dung-het-quy-2-2024-o-muc-5-6.htm