Chia sẻ tại tọa đàm về báo cáo tài chính nhà nước do Bộ Tài chính phối hợp với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/6, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, khẳng định trong vòng 5 năm gần đây, khu vực công của Việt Nam chứng kiến sự chuyển biến đáng kể trong công tác kế toán và lập báo cáo tài chính.
Đặc biệt là việc chuyển từ kế toán tiền mặt ghi nhận doanh thu, chi phí dựa trên nguyên tắc thực thu – thực chi sang kế toán dồn tích, tức ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế ngay khi phát sinh dựa trên nguyên tắc dự thu – dự chi. Một bước tiến đáng kể là đây là năm thứ 5 triển khai báo cáo tài chính nhà nước và hiện có 4 bộ báo cáo tài chính các năm hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC QUA TỪNG NĂM
Phát biểu tại toạ đàm, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước thực hiện lập báo cáo tài chính từ năm 2018. Theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Bộ Tài chính sẽ xây dựng, lập báo cáo tài chính nhà nước, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
“Trong quá trình lập báo cáo tài chính, chúng ta nhận thức được thấy nhiều dư địa để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, với mục tiêu để người sử dụng các cấp và cấp cao nhất là Quốc hội nắm được tài sản và nguồn lực của quốc gia, từ đó, có những giải pháp, hoạch định chính sách vĩ mô, chủ trương, đường lối, hướng đi của nền kinh tế đất nước”, ông Chính nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước Nguyễn Thị Hiền, báo cáo tài chính nhà nước phản ánh bức tranh ban đầu về tổng tài sản, tổng nợ phải trả cũng như kết quả hoạt động tài chính nhà nước, lưu chuyển tiền tệ trong năm.
“Báo cáo khi hoàn thành và được công khai sẽ cải thiện tính minh bạch, cung cấp thông tin tài chính nhà nước một cách đầy đủ, kịp thời và nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ”, bà Hiền nêu rõ.
Nhìn lại chặng đường thời gian triển khai 5 năm vừa qua, bà Hiền nhớ lại ngay khi bắt tay vào việc lập báo cáo tài chính nhà nước, có rất nhiều công việc phải triển khai bao gồm: xây dựng hành lang pháp lý, quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo tập huấn và tổ chức triển khai.
Với hành lang pháp lý, năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Kế toán mới, bổ sung các quy định về báo cáo tài chính tại đơn vị và lập báo cáo tài chính nhà nước, tạo nền tảng cho việc triển khai báo cáo tài chính nhà nước tại Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định của luật, Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn về lập báo cáo tài chính nhà nước và Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước; đồng thời, rà soát và sửa đổi các chế độ kế toán nhà nước, cung cấp thông tin đầu vào đảm bảo việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Bên cạnh đó, “Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng và công bố chuẩn mực kế toán công quốc tế, đảm bảo các thông tin trong khu vực nhà nước, hướng tới phù hợp với thông lệ quốc tế”, bà Hiền cho biết.
Nhấn mạnh tài sản kết cấu hạ tầng cũng như tài sản công là đối tượng kế toán rất quan trọng trong khu vực nhà nước, lãnh đạo Cục Kế toán Nhà nước cho biết đã có hệ thống hành lang pháp lý, với các văn bản từ Luật quản lý, sử dụng tài sản công cũng như chùm nghị định, hướng dẫn về tài sản kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi và các văn bản hướng dẫn về công tác kế toán, khấu hao tài sản cố định…
Với đặc điểm số lượng cơ quan, đơn vị trong khu vực nhà nước rất lớn, Việt Nam cũng áp dụng phương pháp tương tự như Vương Quốc Anh.
Theo đó, hệ thống kho bạc tổng hợp qua các cấp trung gian và qua các đầu mối thu nhập thông tin. Các đơn vị kế toán cơ sở sẽ áp dụng chế độ kế toán của đơn vị mình, tổng hợp, lập ra báo cáo tài chính và báo cáo tài chính này gửi cho các đơn vị kế toán cấp trên, nhằm tổng hợp những thông tin tài chính của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc, gửi cho Kho bạc Nhà nước đồng cấp, sau đó trình lên cấp cao hơn.
Với đặc thù của báo cáo tài chính nhà nước lập qua số lượng đơn vị trung gian lớn và kỹ thuật được báo cáo tài chính tương đối phức tạp. Trong đó, phải xác định và loại trừ các giao dịch nội bộ, do vậy, ngay khi triển khai nhiệm vụ, cần phải thay đổi hệ thống thông tin cho công tác gửi, tiếp nhận thông tin từ các đơn vị cũng như tổng hợp lập báo cáo tài chính nhà nước.
“Đây cũng chính một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thông tin đầu vào lập báo cáo tài chính nhà nước”, bà Hiền nêu rõ.
Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước), năm 2018 là năm đầu tiên triển khai, bộ danh mục báo cáo tài chính nhà nước chưa đầy đủ theo quy định, mới có 3 báo cáo đó là: báo cáo tình hình tài chính nhà nước, báo cáo kết quả tài chính và thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
Tuy nhiên, “chưa lập báo cáo luân chuyển tiền tệ nhà nước và chưa tập hợp tài sản kết cấu hạ tầng, ngoại trừ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do trung ương quản lý.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành 4 bộ báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước năm 2022 đang trong quá trình tập hợp thông tin và lập báo cáo. Chất lượng các báo cáo tài chính nhà nước cũng được cải thiện theo từng năm.
Đến năm 2019 đã có một bộ danh mục báo cáo đầy đủ theo quy định, trong đó, bổ sung báo cáo luân chuyển tiền tệ, đối tượng thông tin trên báo cáo cũng bổ sung thêm: tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý.
Đồng thời, bổ sung thêm các thuyết minh giải trình về các số liệu trên báo cáo, trong đó có thuyết minh giải trình nợ nhà nước trong năm 2019 so với 2018, cũng như giải thích về cơ cấu các chỉ tiêu giữa trung ương, địa phương…
Tiếp đó, báo cáo tài chính nhà nước 2020 cập nhật thêm các tài sản kết cấu hạ tầng: nước sạch nông thôn, đường bộ đầy đủ, chính xác hơn.
Đến năm 2020, tiếp tục cập nhật những số liệu bao gồm cả những tài sản về giao thông đường bộ và nước sạch hình thành từ trước, rà soát cập nhật để bổ sung. Ngoài ra sẽ tổng hợp đầy đủ thông tin tài chính của UBND xã, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Các năm tiếp theo bổ sung tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, thủy lợi; cập nhật tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, công trình nước sạch. Đồng thời, thuyết minh đầy đủ tài sản cố định hữu hình, vô hình của đơn vị…
Sau 4 năm triển khai thực hiện, các đơn vị dần dần hiểu hơn về các chế độ kế toán cũng như về yêu cầu báo cáo tài chính nhà nước. Chất lượng thông tin đầu vào tốt hơn và đảm bảo chất lượng, số liệu trên báo cáo tài chính nhà nước cải thiện hơn các năm trước.
NHIỀU TẦNG NẤC, ĐẦU MỐI TRUNG GIAN GÂY KHÓ KHĂN KHI LẬP BÁO CÁO
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiền, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập báo cáo tài chính nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, đặc biệt liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng của nhà nước.
Thứ hai, về chế độ kế toán nhà nước.
Thời gian qua, Bộ Tài chính xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công, xây dựng trên nền tảng chuẩn mực về kế toán công quốc tế và tiếp tục rà soát, phải sửa đổi các chế độ kế toán nhà nước để đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực này cũng như các cơ chế mới được ban hành.
Quy trình tổng hợp qua nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối. Nếu như ở Vương quốc Anh chỉ có khoảng 7.000 đơn vị cung cấp thông tin thì ở Việt Nam dù đã giảm bớt nhưng số lượng đơn vị cung cấp thông tin hơn 51.000 đơn vị. Đây một con số lượng rất lớn và là thách thức với các đơn vị tổng hợp báo cáo.
Thứ ba, Hệ thống Tổng Kế toán nhà nước chưa hỗ trợ hiệu quả trong công tác gửi, tiếp nhận và tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước.
Hệ thống này được xây dựng đồng thời với quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nên nhiều yêu cầu hiện nay chưa đáp ứng được.
Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là chất lượng, gây khó khăn trong công tác tổng hợp cũng như phân tích, thuyết minh các chỉ tiêu trên báo cáo.
Thứ năm, các cơ quan, đơn vị trong khu vực nhà nước chưa thực sự quan tâm về mặt công tác kế toán tài chính và lập báo cáo tài chính, cũng ảnh hưởng đến chất lượng thông tin đầu vào.
“Báo cáo tài chính nhà nước chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện thông tin tài chính nhà nước do thiếu số liệu tài sản, nguồn vốn, nợ phải trả nhà nước… Báo cáo tài chính nhà nước cũng chưa đảm bảo tính kịp thời, minh bạch, chưa đảm bảo độ tin cậy. Thời gian lập, trình báo cáo còn dài khi báo cáo tài chính toàn quốc: 18 tháng còn báo cáo tài chính tỉnh: 12 tháng.
Dù luật quy định nào báo cáo tài chính nhà nước sau khi được báo cáo ra Quốc hội sẽ được công khai, tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, đến nay báo cáo tài chính nhà nước Việt Nam vẫn chưa được công khai”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đánh giá.