Thông tin được đại diện Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội chia sẻ tại Đối thoại với chủ đề “Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội”, ngày 10/10.
NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI VẪN LÀ VẤN ĐỀ NAN GIẢI
Theo bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, việc các công ty nợ bảo hiểm xã hội đang là vấn đề nan giải trên địa bàn thành phố.
“Một số công ty Nhà nước sau khi cổ phần hoá vẫn còn nợ số tiền bảo hiểm xã hội rất lớn, cơ quan Bảo hiểm xã hội rất khó khăn trong thủ tục văn bản pháp lý khởi kiện các đơn vị”, bà Châu nói.
Với trường hợp chưa được đóng hoặc chưa được tách đóng thì người lao động nên đồng loạt khởi kiện để làm thủ tục theo pháp luật, đảm bảo quyền lợi của mình.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2023, toàn thành phố có hơn 83.000 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi là trên 1.800 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại gần 3.300 đơn vị sử dụng lao động và thu hồi được 287,2 tỷ đồng (đạt 79,7%).
Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành, Bảo hiểm xã hội thành phố, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xử phạt hành chính hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo thẩm quyền đối với 71 đơn vị đóng trên địa bàn. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 5,4 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9, thành có phố có hơn 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; gần 7,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, và hơn 78.300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà người sử dụng lao động vẫn vi phạm.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHIỀU LAO ĐỘNG CÓ CƠ HỘI HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Ngoài vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, các nội dung liên quan đến chế độ lao động, tiền lương, điều kiện hưởng lương hưu khác cũng được người lao động quan tâm tại cuộc đối thoại.
Giải đáp thắc mắc của người lao động về việc doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng thứ 13 hay không, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, không có quy định về việc doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có chế độ phúc lợi, trong đó có nội dung trả lương tháng 13 cho người lao động. Đây là nội dung được ghi trong thỏa ước lao động tập thể nhằm khuyến khích người lao động ở lại với doanh nghiệp, do công ty và công đoàn thống nhất trong thỏa ước”, ông Dưỡng thông tin.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động còn băn khoăn về điều kiện hưởng lương hưu, nhất là thông tin về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện nghỉ hưu.
Về vấn đề này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, theo Bộ Luật Lao động 2014, người lao động khi có từ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên hết tuổi lao động có thể đóng một lần cho các năm còn thiếu, tuy nhiên có nhiều trường hợp người lao động không có khả năng đóng đủ cho các năm còn thiếu.
Do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đưa ra vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu. Khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ hưu đồng nghĩa tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.
Theo bà Châu, hiện nay để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, và đáp ứng đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. “Đủ tuổi nghỉ năm 2023 với nữ là 56 tuổi và nam là 60 tuổi 9 tháng. Số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đóng trở lên”, bà Dương Thị Minh Châu thông tin.
Với người lao động nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại, người lao động bị suy giảm sức khỏe 61%…sẽ được sẽ được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 năm.
Người lao động tham gia cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đều có cơ hội hưởng lương hưu. Tuy nhiên, về tuổi nghỉ hưu, đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ không được về hưu trước 5 năm nếu không có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia sẽ được hưởng 5 chế độ nghỉ như: Khi ốm đau, khi mang thai, khi gặp tai nạn hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu trí, tử tuất.
Còn nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì hiện chỉ nhận được 2 chế độ là nghỉ hưu trí và tử tuất. Hiện nay, cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản, nguồn tiền từ ngân sách Nhà nước đảm bảo.