Trong thư gửi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, nêu rõ cách đây 10 năm, Việt Nam có 10 triệu hộ chăn nuôi, 3 năm còn 4 triệu hộ và nay không tới 2 triệu hộ. Điều làm nản lòng các hộ chăn nuôi chính là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, lãi vay tăng trong khi đó, giá bán heo, gà dưới giá thành, kèm theo dịch tả heo châu Phi đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi.
Giảm mạnh từ sau Tết Quý Mão 2023, giá heo hơi từ 75.000-80.000đ/kg đến nay chỉ còn 48.000-49.000đ/kg, nghĩa là giảm đến 35-37%, giá gà công nghiệp bình quân chỉ 22.000 – 27.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều người nuôi heo, gà, bò… lâm vào khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán sản phẩm liên tục ở mức thấp.
Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với mức giá trên, người nuôi nhẩm tính đều bán dưới giá thành sản xuất lên tới 4.000 – 7.000 đồng/kg tùy loại.
“Gần như công ty, trang trại, hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, lúc này, chúng tôi gần như không thể tiếp cận ngân hàng. Nhiều lúc nhìn đàn vật nuôi đói phải vay mượn nóng để mua cám”, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết trong bản kiến nghị.
Không chỉ lao đao vì những khó khăn kể trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các nông hộ, trang trại trong nước còn đang gặp áp lực cạnh tranh cực lớn từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với thế mạnh từ nguồn vốn dồi dào.
Bởi vậy, nhiều trại nuôi đã chọn giảm đàn, thậm chí “treo chuồng” trong nhiều tháng vì bị thua lỗ kéo dài.
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cứ bán 1 con heo thì chịu lỗ xấp xỉ 1 triệu đồng, khiến người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tha thiết đề đạt nguyện vọng để cứu nguy.
Theo ông Nguyễn Trí Công, hiện nay các ngân hàng đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có nông nghiệp.
Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, thực tế khá ít doanh nghiệp, trang trại được hưởng gói lãi vay này. “Người nuôi mong muốn sớm kết nối với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ”, ông Công nêu trong kiến nghị.
Về quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, đại diện hiệp hội cho rằng ngân hàng nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng. Theo đó, với những doanh nghiệp tốt, đơn vị có thể đứng ra bảo lãnh để được cho vay vốn.
Đặc biệt, “ngành chăn nuôi mong muốn ngân hàng cho người nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19; đồng thời, tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động, bởi nếu đứt nguồn vốn thì nông dân có thể phá sản ngay”, ông Nguyễn Trí Công mong mỏi.
Liên quan đến gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối tháng 12/2022, doanh số cho vay mới đạt 52 nghìn tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất hơn 35 nghìn tỷ đồng, số tiền lãi (từ ngân sách) đã hỗ trợ là 135 tỷ đồng đối với 1.700 khách hàng cả nước.
Tại một hội nghị về thúc đẩy giải ngân gói vay trên theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đại diện Bộ Tài chính cho biết, riêng phần lãi suất hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách là 40 nghìn tỷ đồng; tuy nhiên đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi từ ngân sách mới chi trả là 135 tỷ đồng.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình gửi Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan nghị định này nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan.