Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các ứng dụng, các sàn giao dịch đầu tư tài chính online. Tuy nhiên vẫn còn nạn nhân bị mắc bẫy.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận trên mạng, xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng đầu tư tài chính, là nền tảng hỗ trợ những nhà đầu tư có số vốn nhỏ kiếm tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo “giăng bẫy”.
ĐẦU TƯ SÀN VÀNG “ẢO”, MẤT 24 TỶ ĐỒNG
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội tiếp nhận đơn của chị T về việc bị chiếm đoạt 24 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vàng online.
Chị T được các đối tượng gọi điện mời tham gia nhóm đầu tư và được hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân trên sàn IG để đặt lệnh mua bán vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao.
Chị T đã thực hiện các giao dịch đầu tư với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Nhưng khi rút tiền thì chị T được thông báo không rút được, phải liên hệ trợ lý của sàn.
Chị T tiếp tục chuyển “trợ lý” tổng số tiền 4 tỷ đồng để rút được tiền gốc nhưng đều không được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị T đã đến cơ quan Công an trình báo.
Công an TP Hà Nội tiếp tục đề nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội; không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
MỜI CHÀO DỰ ÁN “ẢO” CHIẾM ĐOẠT TIỀN
Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng Zalo, Telegram hoặc Facebook, thủ đoạn mời chào tham gia đầu tư vào các dự án giả mạo của các tập đoàn lớn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng.
Mới đây, một nạn nhân tham gia dự án có tên “Vinpearl” (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) bị chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng.
Cụ thể, bà N (trú tại Hà Nội) có quen biết một đối tượng trên mạng facebook. Người này thường xuyên trò chuyện tình cảm và tạo lòng tin với bà N. Sau đó đối tượng dẫn dụ bà N cùng đầu tư vào dự án có tên “Vinpeal” (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link https://vinpearl1.vingroupsvn.com.
Bà N đã tin tưởng làm theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp. Tổng số tiền bà N đã là gần 1,4 tỷ đồng. Khi đầu tư có lãi và bà N muốn rút tiền ra thì đối tượng yêu cầu phải nạp thêm 10% số tiền hiện có trong tài khoản. Nghi ngờ mình bị lừa, bà N đã đến cơ quan Công an trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với thủ đoạn trên, tránh bị mắc bẫy các đối tượng lừa đảo.
Đây là một hình thức lừa đảo bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm để lấy lòng tin nạn nhân. Sau đó mời đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Người dân cần cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc.
MẤT 6 TỶ ĐỒNG VÌ CÀI PHẦN MỀM CÔNG GIẢ MẠO
Ngoài ra, các đối tượng còn giở thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” rồi chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc.
Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Công an huyện Hoài Đức đang điều tra, xác minh 01 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 23/5/2024, chị H (SN: 1984; trú tại Hoài Đức, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an yêu cầu chị H tải app Dịch vụ công để làm định danh mức 2.
Sau đó, đối tượng gửi cho chị đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, chị H bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lien-tiep-cac-vu-mat-tien-ty-do-dau-tu-san-vang-online-phan-mem-ao.htm