Carry-trade là chiến lược mà ở đó các quỹ phòng hộ đi vay bằng những đồng tiền lãi suất thấp như đồng yên Nhật để đầu tư vào các tài sản sinh lời cao trên thế giới. Chiến lược này trở thành cơn sốt những năm gần đây, đặc biệt là khi các nhà đầu tư nhận định rằng đồng yên Nhật sẽ tiếp tục rẻ và lãi suất tại Nhật tiếp tục được duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, vào tuần trước, các nhà giao dịch carry-trade yên bắt đầu ồ ạt rút khỏi vị thế này khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 31/7 bất ngờ nâng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, khiến đồng yên tăng giá mạnh. Động thái này kéo theo một cuộc bán tháo khổng lồ trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Theo ông Richard Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu của TD Securities, cho rằng “rất khó” để tuyên bố làn sóng tháo chạy khỏi carry-trade đã chấm dứt, dù một số nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm vị thế carry-trade gần như đã hoàn tất.
“Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Chúng ta không có dữ liệu thực về các giao dịch carry-trade. Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tháo chạy, đặc biệt là khi nhìn vào giá trị của đồng yên hiện tại”, ông Kelly nhận định.
Không có con số chính thức nào về lượng tiền được đổ vào carry-trade. Theo dữ liệu từ công ty GlobalData TS Lombard, đã có khoảng 1,1 nghìn tỷ USD được rót vào loại hình giao dịch này, dựa trên giả thiết cho rằng toàn bộ lượng tiền mà nhà đầu tư nước ngoài đã vay từ Nhật Bản kể từ cuối năm 2022 đều được dùng cho carry-trade và nhà đầu tư ở Nhật cũng sử dụng đòn bẩy tài chính để mua tài sản ở nước ngoài.
Chung quan điểm với ông Kelly của TD Securities, các nhà phân tích tại ngân hàng Barclays cho rằng áp lực rút khỏi các giao dịch carry-trade vẫn còn và vẫn còn “quá sớm” để nói làn sóng rút khỏi các giao dịch này đã qua.
“Các nhà đầu tư có thể sẽ vẫn duy trì sự cảnh giác cao độ trong những tuần tới, thanh khoản vẫn rất mong manh. Chúng tôi dự báo biến động sẽ vẫn ở mức cao và tiếp tục ảnh hưởng tới các giao dịch carry-trade”, các nhà phân tích của Barclays nhận định trong một báo cáo nghiên cứu công bố hôm Chủ nhật.
“Cuộc bán thảo quy mô lớn và đầy kịch tính tuần trước thực tế lại là một tin tốt bởi nó buộc các nhà đầu tư phải tập trung vào chiến lược Nhật Bản thực sự. Chiến lược Nhật Bản thực sự không phải là những giao dịch carry-trade ăn xổi, mà là tìm cách hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng trưởng lương bền vững”.
Ông Jesper Koll, giám đốc tại Monex Group
“Nếu quan sát các mô hình hiện tại cũng như tâm lý trên thị trường, nhiều người có thể cho rằng bây giờ là thời điểm nên trở lại carry-trade, mua vào chứng khoán Mexio và Brazil cũng như một số tài sản sinh lời cao khác và bắt đầu bán khống đồng yên”, ông Kelly nói. “Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó không đúng, đã có sự thay đổi về mặt cấu trúc. BOJ sẽ vẫn phải tiếp tục thắt chặt, đồng yên về cơ bản vẫn đang bị định giá thấp, Fed sắp bắt đầu nới lỏng chính sách. Tất cả những điều này sẽ làm thay đổi định hướng của các giao dịch chênh lệch lãi suất”.
Ông Kelly cho biết ông sẽ không trở lại mua các loại tài sản sinh lời cao tại các thị trường mới nổi, mà sẽ mua vào yên.
Những khuyến nghị của ông Kelly được đưa ra trong bối cảnh số liệu kinh tế mới nhất cho thấy bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe kinh tế Mỹ. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo giá bán buôn, tăng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo tăng 0,2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, đồng thời bằng với mức tăng của tháng 6.
Số liệu PPI mang tới cho nhà đầu tư niềm tin lớn hơn về sự tiếp tục của tiến trình giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ. Thị trường đang kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư sẽ cho thấy mức tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6, sau khi chỉ số này bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 6.
Tất cả cả những điều này có thể giúp Fed củng cố thêm cơ sở để bắt đầu hạ lãi suất từ tháng tới. Cuộc bán tháo khổng lồ và chóng vánh với các loại tài sản rủi ro tuần trước cũng bắt nguồn từ nỗi lo rằng số liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự báo.
“Cuộc bán thảo quy mô lớn và đầy kịch tính tuần trước thực tế lại là một tin tốt bởi nó buộc các nhà đầu tư phải tập trung vào chiến lược Nhật Bản thực sự”, ông Jesper Koll, giám đốc tại Monex Group, nói với CNBC. “Chiến lược Nhật Bản thực sự không phải là những giao dịch carry-trade ăn xổi, mà ở đó vay tiền ở mức lãi suất gần 0% ở Nhật để đầu tư vào các tài sản sinh lời cao. Giao dịch đầu tư Nhật Bản thực sự là tìm cách hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng trưởng lương bền vững – điều đang diễn ra ở nước này. Vì vậy, hãy tập trung vào nền kinh tế thực thay vì nền kinh tế bong bóng”.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lan-song-thao-chay-khoi-carry-trade-yen-nhat-van-chua-cham-dut.htm