Lạm phát đang giảm nhanh hơn so với dự báo tại các nền kinh tế phát triển, dẫn tới một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát đã kéo dài 2 năm của các ngân hàng trung ương – theo tờ Wall Street Journal.
Tháng 10 vừa qua, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm dưới 5% ở Anh và dưới 3% ở Mỹ và eurozone. Những diễn biến này làm dấy lên kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương đã đến lúc có thể kết thúc việc tăng lãi suất và dịch chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Triển vọng này mang tới một sự giải toả quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đang chật vật (ngoại trừ kinh tế Mỹ trụ vững), làm gia tăng khả năng về một cuộc hạ cánh mềm – kéo được lạm phát xuống bằng những đợt tăng lãi suất liên tiếp mà không khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đối với châu Âu, điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi nền kinh tế châu lục đang cận kề suy thoái.
Phản ánh kỳ vọng lãi suất có thể sắp được cắt giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã đồng loạt giảm mạnh thời gian gần đây. Trong phần lớn thời gian của năm nay, giới kinh tế học đã băn khoăn trước việc tăng trưởng và lạm phát không giảm tốc mạnh hơn dưới áp lực của lãi suất cao. Giờ đây, ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng lãi suất cao đã bắt đầu phát huy mạnh tác dụng bị trì hoãn đối với tăng trưởng và lạm phát.
GIỚI ĐẦU TƯ LẠC QUAN, NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG VẪN THẬN TRỌNG
“Đây chắc chắn là một bước ngoặt đối với lạm phát. Nhà đầu tư có thể sẽ ngạc nhiên trước việc các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất nhanh như thế nào trong năm tới. Có lẽ tổng lượng giảm sẽ lên tới 1,5 điểm phần trăm”, ông Stefan Gerlach, một cự Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iceland, nhận định.
Việc lạm phát đồng loạt giảm ở các châu lục nói lên một điều rằng nguyên nhân ban đầu đẩy lạm phát tăng cao tại các quốc gia khác nhau là giống nhau, đặc biệt do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Những yếu tố này đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm số lượng người trong lực lượng lao động và đẩy giá năng lượng tăng cao, nhất là ở châu Âu. Khi những nguyên nhân gây lạm phát như vậy suy yếu, áp lực tăng giá cả cũng được giải toả một cách tự nhiên.
Trước đây, lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố liên quan đến nhu cầu, chẳng hạn hàng nghìn tỷ USD tiền kích cầu của Chính phủ Mỹ, cũng như nhu cầu bị dồn nén và tiền tiết kiệm mà người tiêu dùng tích luỹ được trong đại dịch. Giới chuyên gia kinh tế nói rằng đó là lý do vì sao lạm phát vẫn ở mức cao sau gần 4 năm đại dịch xuất hiện, và vì sao lại suất cần tăng để kéo lạm phát xuống.
Lạm phát giảm “cho thấy ảnh hưởng của việc lãi suất tăng 4-5 điểm phần trăm”, ông Gerlach nói. “Những người cho rằng lạm phát cao sẽ tự giảm đã sai” – ông nhấn mạnh, đề cập đến cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế học về việc liệu lạm phát có tự xuống thang hay không. Trước đây, ông Gerlach thuộc phe cho rằng lạm phát đã tự giảm. “Ý tưởng của chúng tôi trước đây là lạm phát sẽ tự giảm mà không cần tăng lãi suất”, ông nói.
Ngay cả những quốc gia nơi lạm phát “cứng đầu” nhất, như Anh, cũng đã bắt đầu chứng kiến những tiến triển tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 6,7% ghi nhận trong tháng 9 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Trước khi số liệu này được công bố, giới chuyên gia kinh tế dự báo CPI tháng 10 của Anh tăng 4,8%.
“Bây giờ, Anh không còn là một trường hợp ngoại lệ về lạm phát nữa rồi”, nhà kinh tế Bruna Skarica của Morgan Stanley nhận định.
Ở Mỹ, CPI tháng 10 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp hơn nhiều so với dự báo. Lạm phát giá tiêu dùng ở eurozone tháng 10 là 2,9%, từ mức 4,3% của tháng 9. Ở Bỉ và Hà Lan, lạm phát cũng đồng loạt xuống thang.
Giá tiêu dùng suy yếu đã thuyết thúc một số nhà hoạch định chính sách châu Âu tin rằng họ đã thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, và thắng sau một khoảng thời gian chiến đấu ngắn hơn so với hồi thập niên 1970 – khi châu Âu rơi vào tình trạng lạm phát tương tự.
“Chúng ta đang trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biển gần đây. “Trong vòng chưa đến 2 năm, châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát, vấn đề đã gây áp lực lên người dân, các hộ gia đình, nhất là những người có điều kiện kinh tế không cao”.
Giới đầu tư thậm chí còn lạc quan hơn cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược gần như 100% rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 mà thay vào đó sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% hiện nay. Đặt cược về thời điểm cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024 cũng được đẩy lên tháng 5, thay vì tháng 6 như trước đó. Trước khi dữ liệu lạm phát tháng 10 của Mỹ được công bố trong tuần vừa rồi, khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 là 30%.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất từ mùa xuân năm sau, tiếp đó là Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào mùa hè.
Về phần mình, các quan chức ngân hàng trung ương đang giữ một quan điểm thận trọng, vì họ đã rơi vào thế bất ngờ khi đối mặt với sự dai dẳng của lạm phát vào năm ngoái. Hồi tháng 10, BOE nhận định còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. BOE hiện dự báo rằng phati đến cuối năm 2025, lạm phát mới giảm về mục tiêu 2%. Giới chức cũng đề cập đến tốc độ tăng còn lớn của tiền lương và rủi ro giá năng lượng leo thang nếu chiến tranh Isreal-Hamas lan rộng ra khu vực Trung Đông.
CHẶNG CUỐI KHÓ KHĂN CỦA CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠM PHÁT
Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo BOE bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 5, tiếp đó là Fed và ECB vào tháng 6. Nhưng dù dự báo nào là chính xác, đang có một sự đồng thuận gia tăng rằng lạm phát đang thoái lui và tiếp theo đó sẽ là lãi suất giảm xuống. “Chúng tôi dự báo lạm phát và lãi suất sẽ giảm trên diện rộng trong năm 2024 tại các nền kinh tế phát triển”, ông Michael Saunders – một cựu quan chức OBE, hiện làm việc tại công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics – nhận định.
Nếu đúng là như vậy, một câu hỏi được đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương có tăng lãi suất quá tay, nhất là ở châu Âu. Giới chuyên gia kinh tế nói rằng các đợt tăng lãi suất đã có đang thẩm thấu vào nền kinh tế, gây áp lực suy giảm lên cho vay và tiêu dùng. Tăng trưởng việc làm đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đang nhích lên cả ở hai bên bờ Đại Tây Dương, khiến tăng trưởng tiền lương yếu đi. Các hộ gia đình ngại chi tiêu hơn vì lãi suất cao mang lại lợi ích lớn hơn cho việc tiết kiệm tiền. Tất cả những yếu tố này phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những tháng sắp tới.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 10 so với tháng 9, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3, sau khi tăng 0,9% trong tháng 9. Ở eurozone, sản lượng công nghiệp tháng 9 giảm 1,1% so với tháng 8.
Nhưng dù các yếu tố mang tính toàn cầu là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng mạnh trong năm ngoái và giảm mạnh thời gian gần đây, những vấn đề nội tại của mỗi nước có thể mới chính là những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất khi các ngân hàng trung ương bước vào giai đoạn cuối cùng của việc đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
Ở Mỹ, lạm phát đang suy yếu nhờ tăng trưởng việc làm và tiêu dùng chậm lại, nhưng cả thị trường việc làm và hoạt động chi tiêu của người Mỹ đều đang vững. Thực tế này dẫn tới dự báo cho rằng áp lực tăng giá ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục giảm nhưng suy thoái sẽ không xảy ra.
Đối với châu Âu, môi trường kinh tế khó khăn hơn nhiều so với ở Mỹ. Châu lục này đang đối mặt với nhiều trở ngại về tăng trưởng, từ thương mại toàn cầu giảm tốc cho tới sự ì ạch của kinh tế Trung Quốc – một thị trường xuất khẩu quan trọng của các nhà sản xuất châu Âu – và nỗ lực của các chính phủ nhằm hạn chế chi tiêu công. Chưa kể, các hộ gia đình ở châu Âu cũng thận trọng hơn so với hộ gia đình ở Mỹ trong việc chi tiêu số tiền đã tiết kiệm được trong đại dịch. Tất cả có thể sẽ khiến kinh tế châu Âu sụt tốc nhanh hơn và lạm phát ở châu Âu giảm nhanh hơn so với ở Mỹ, dẫn tới ECB hạ lãi suất sớm hơn so với Fed.
Dù triển vọng các ngân hàng trung ương hạ lãi suất đã trở nên sớm sủa hơn, giới chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng sẽ khó có chuyện thế giới trở lại với kỷ nguyên lãi suất siêu thấp như trước đại dịch. Nguyên nhân ở đây là căng thẳng địa chính trị và sức ép nhân khẩu học. Lực lượng lao động có thể sẽ bước vào thời kỳ suy giảm ở các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc, khi những nguời thuộc thế hệ “baby boomer” ngày càng già đi. Mối quan hệ suy giảm giữa Trung Quốc với phương Tây được cho là sẽ đẩy chi phí sản xuất gia tăng do doanh nghiệp phải dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.