Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy yếu, kinh tế tăng trưởng chậm trong khi thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm dần, nhưng so với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023… Vì vậy, năm 2023 Việt Nam đã thành công trong kiểm soát lạm phát.
NĂM THỨ 10 LÊN TIẾP VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG
Năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào đồng nội tệ và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
CPI bình quân năm trong 10 năm (2014 – 2023) thể hiện ở hình 1. Như vậy, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đã được thực hiện liên tiếp, trong một thời kỳ khá dài, bình quân 10 năm là 2,87%/năm, một hiện tượng hiếm thấy so với các thời kỳ trước (bình quân 1986 – 1993 tăng 14,1%/năm, 1994 – 2023 tăng 5,33%/năm, 2004 – 2013 tăng 8,51%/năm). Đây là một thành công nổi bật, góp phần đảm bảo mức sống thực tế, giữ vững lòng tin vào đồng tiền quốc gia, bảo đảm cho lãi suất tiền gửi ngân hàng đạt “thực dương” trong thời gian khá dài,…
Diễn biến CPI năm 2023 được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Theo thời gian, CPI bình quân so với cùng kỳ trong năm 2023 như sau (Hình 2). Theo đó, tốc độ tăng của CPI bình quân năm đã chậm lại liên tục trong 8 kỳ, chỉ tăng lên từ kỳ 9 tháng. Đây cũng là diễn biến hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Như vậy, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, có 5 nhóm giá tăng cao hơn tốc độ chung, 4 nhóm tăng thấp hơn và 2 nhóm giảm. Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng lớn nhất, tăng cao hơn tốc độ tăng chung chủ yếu do giá lương thực tăng cao (6,85%) do xuất khẩu gạo tăng cả lượng (17%), cả giá (18,8%), giá ăn uống ngoài gia đình tăng cao (4,79%), còn giá thực phẩm tăng thấp chủ yếu do sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng (thịt lợn tăng 7,2%, thịt gia cầm tăng 6%, thịt bò tăng 2,5%, thịt trâu tăng 0,2%, trứng tăng 5,2%, sữa tăng 3,6%); do lượng thịt nhập khẩu giá thấp tăng. Giá đồ uống và thuốc lá tăng cao do du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao.
Giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao do giá điện, nước tăng, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, cát,… tăng mạnh. Giá giáo dục tăng chủ yếu do học phí và các khoản thu đầu năm học tăng,… Giá giao thông giảm chủ yếu do giá xăng dầu giảm. Giá bưu chính, viễn thông giảm do ngành này tiếp tục ứng dụng khoa học – công nghệ, do xuất khẩu giảm,…
Lạm phát của Việt Nam được kiềm chế theo mục tiêu càng có ý nghĩa khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có mức lạm phát cao gấp đôi, gấp ba mức định hướng, buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách liên tục tăng lãi suất,… khi Việt Nam bước đầu chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ với nhiều giải pháp, như giảm bội chi theo dự toán, giảm, hoãn nhiều loại thuế phí, tăng lương cơ sở,… giảm lãi suất cho vay, giãn, hoãn cơ cấu lại nợ.
Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu do tác động của nhiều yếu tố.
Thứ nhất, yếu tố tổng quát là quan hệ giữa tổng cung, tổng cầu, giữa sản xuất và sử dụng (GDP) (Hình 4).
Theo đó, tốc độ tăng của hai bộ phận lớn nhất của tổng cầu trong nước là tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng đều thấp hơn tốc độ tăng tổng cung ở trong nước (GDP). Như vậy, tổng cầu ở trong nước dù đã tăng lên, nhưng vẫn còn yếu. Tổng cầu trong nước còn yếu làm cho lạm phát đã chậm lại qua các kỳ (như đã đề cập trong Hình 2).
Chính phủ đã đưa ra chủ trương tập trung ưu tiên cho tăng trưởng. Sự mạnh dạn, linh hoạt, nhanh nhạy trong chính sách và điều hành đã góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế cao lên qua các quý, dẫn đến tăng trưởng cả năm của Việt Nam nằm trong TOP cao trong các nền kinh tế của thế giới, mà vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu.
Xuất siêu hàng hóa, dịch vụ chủ yếu do xuất siêu hàng hóa tăng so với năm trước (28.000 triệu USD so với 12.140 triệu USD); còn dịch vụ đã nhập siêu, nhưng mức nhập siêu đã giảm mạnh so với năm trước (9.550 triệu USD so với 12.624 triệu USD). Xuất siêu đã góp phần làm cho tăng cung ở trong nước (GDP) trong điều kiện 2 khoản cầu lớn ở trong nước còn yếu. Xuất siêu lớn, tăng cao, một phần quan trọng do tỷ giá thương mại hàng hóa năm nay mang dấu dương (4,11%); mà tỷ giá thương mại mang dấu dương thì có lợi cho xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu.
Thứ hai, yếu tố quan trọng của lạm phát là tác động của chi phí đẩy năm 2023 có một số diễn biến đáng lưu ý (Hình 5).
Giá nhập khẩu năm trước tăng khá cao, gây ra nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” làm cho người sản xuất phải “chịu trận” để “che chắn” cho người tiêu dùng, thì năm nay lại giảm. Giá nhập khẩu giảm đã góp phần làm cho giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo còn giảm sâu hơn (-2,12%), làm cho giá sản xuất công nghiệp giảm (-0,88%) và giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (0,55%)…
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lam-phat-duoc-kiem-soat-theo-muc-tieu-nam-thu-10-lien-tiep-va-ky-vong-nam-thu-11.htm