Ngân hàng Nhà nước vừa công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 3/2023.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5- 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,0-8,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,7-7,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,1- 8,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 3, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 – 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.
Từ 3/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm.
Theo cập nhật thị trường của phóng viên VnEconomy tại ngày 23/4, nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức kịch trần cho phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 0,5%.
Hơn 20 ngân hàng hàng áp dụng mức lãi suất 5,5% cho kỳ hạn từ 1 – 5 tháng. Trong số này, ngoài các ngân hàng như VietABank, Nam Á Bank, Kiên Long, SCB, Sài Gòn Bank, Bắc Á Bank, PGBank, NCB, An Bình Bank, Ocean Bank, …còn có cả các ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, Sacombank, SHB, HDBank, VIB, ACB.
Các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động từ 4,5 – 5,45%. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank áp dụng mức lãi suất 4,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng.
Mặc dù thời gian chỉ cách nhau 1 tháng nhưng khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng có thể hưởng lãi suất cao hơn từ 2%-3% so với kỳ hạn 5 tháng.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng không quá cách biệt so với kỳ hạn 12 tháng và từ 24 tháng trở lên.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, HDBank và Nam Á Bank đang áp dụng mức lãi suất 8,6%. Đặc biệt, với hình thức gửi tiết kiệm online, HDBank trả lãi tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Những ngân hàng huy động lãi suất 8,5% ở kỳ hạn 6 tháng là An Bình Bank, VietABank, OCB. Ở mức trên 8%/năm cho kỳ hạn này có Bắc Á Bank, VietBank, Bảo Việt Bank, GPBank, Kiên Long Bank, MSB, VPBank, VIB…
Tại ngày 23/4, có nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn kỳ hạn 12 – 36 tháng.
Đơn cử, HDBank đang áp dụng mức lãi suất 8,6% cho kỳ hạn 6 tháng trong khi kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng là 6,9%. VPBank huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,2%, cao hơn mức 7,3% của kỳ hạn 36 tháng. Bao Viet Bank cũng đang niêm yết lãi suất huy động 6 tháng ở mức 8,3%, còn kỳ hạn 36 tháng chỉ được hưởng 8%.
Tương tự, SCB huy động kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 8,25%, cao hơn 0,4 điểm % so với kỳ hạn 36 tháng. NCB áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,9 % trong khi kỳ hạn 36 tháng chỉ là 7,7%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng niêm yết mức lãi suất huy động 6 tháng ngang bằng kỳ hạn 36 tháng như Techcombank, Saigonbank, Nam A Bank…
Điều này cho thấy, tính thanh khoản của hệ thống vẫn chưa cải thiện như mong đợi và đặc biệt là đường cong lãi suất thị trường đang có dấu hiệu đi ngược quy luật: kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao và ngược lại.