Theo tờ Wall Street Journal, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dựa vào vay nợ trong suốt nhiều năm ròng để rót tiền vào mọi thứ, từ những cây cầu khổng lồ cho tới những căn hộ chung cư mới. Nhưng bây giờ, Trung Quốc đang đối mặt với giai đoạn giảm nợ mà giới chuyên gia kinh tế đã cảnh báo là sẽ nhiều khó khăn. Trong quá trình này, những người đã vay nợ trước đây phải hướng thu nhập của họ tới việc trả nợ, thay vì chi tiêu hay đầu tư.
Tính đến tháng 9 năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng cấp cho khu vực phi tài chính của Trung Quốc là 49,9 nghìn tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cách đó 10 năm – theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Mức dư nợ tính bằng đồng USD đã giảm từ mức 51,4 nghìn tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu tính bằng Nhân dân tệ, nợ tín dụng của khu vực phi tài chính ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.
Năm 2022, tổng mức dư nợ tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10%, giảm tốc so với mức tăng trưởng 15% vào năm 2017 và 19% vào năm 2012 – theo Wind, một công ty cung cấp dữ liệu Trung Quốc.
MỨC NỢ “KHỦNG” TRONG NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC
Thực ra, nợ nần không phải là một vấn đề của chính quyền trung ương Trung Quốc, vì tỷ lệ nợ chính phủ của Bắc Kinh vẫn tương đối thấp nếu xét theo tỷ lệ phần trăm của nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề lớn của hộ gia đình, khu vực kinh tế tư nhân và chính quyền các địa phương nước này. Tổng nợ ở Trung Quốc so với GDP đã lên tới 295% vào tháng 9 năm ngoái, vượt mức 257% ở Mỹ và mức bình quân 258% ở các nước trong khu vực Eurozone – theo dữ liệu từ BIS.
Để trả nợ, người tiêu dùng Trung Quốc đang có khuynh hướng tích trữ tiền mặt, trong đó có nhiều người từ chối vay tiền. Các doanh nghiệp tư nhân hầu như không đầu tư, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu. Chính quyền các địa phương cũng đang giảm chi tiêu cho mọi thứ từ đường xá đến tiền lương của công nhân nhằm mục đích giữ các khoản nợ của họ trong tầm kiểm soát.
“Những doanh nghiệp và chính quyền địa phương trước kia đi vay bây giờ đang tập trung vào việc trả nợ, thành ra ít có khả năng bơm tiền vào các dự án mới. Điều này sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP,” ông Nicholas Borst, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty Seafarer Capital Partners, nhận định.
Nhiều quốc gia khác đã trải qua quá trình giảm nợ tương tự như Trung Quốc, và hầu như trường hợp nào cũng trải qua nhiều “đau đớn”.
Ở Nhật Bản, sự sụp đổ của bong bóng bất động sản vào những năm 1980 và 1990 đã buộc các tập đoàn và cá nhân phải trả hết nợ thay vì vay mới, ngay cả khi lãi suất đã giảm xuống bằng 0. Sự sụt giảm nhu cầu sau đó đã dẫn đến một vòng luẩn quẩn của giảm phát và đình trệ kinh tế.
Tại Mỹ, sự tích tụ của các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn trong những năm 2000 đã góp phần gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Sau cuộc khủng hoảng đó là quãng thời gian nhiều năm giảm nợ, ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng. Một nghiên cứu của McKinsey đã phát hiện ra rằng trong 45 thời kỳ giảm nợ ở Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái 1930 tới nay, có 32 lần theo sau một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hầu hết các nhà kinh tế không cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính hay là một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ xảy ra ở Trung Quốc, bởi vì họ cho rằng chính quyền trung ương có khả năng tài chính và có khuynh hướng ngăn chặn cả hai điều này. Trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế tại ngân hàng Pháp Societe Generale cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần học bài học từ Nhật Bản và không để cho tư duy giảm nợ trở thành một tư duy cố hữu, bằng cách cơ cấu lại nhiều khoản nợ hơn hoặc cung cấp hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình để thúc đẩy tiêu dùng.
Societe Generale cảnh báo nếu không, Trung Quốc có thể rơi vào cái bẫy mà ngay cả lãi suất bằng 0 cũng không thể kích thích tăng trưởng. “Mối nguy hiểm như vậy dường như ngày càng phù hợp với Trung Quốc,” báo cáo viết.
TĂNG TRƯỞNG GIAM TỐC LÀ TẤT YẾU?
Nhiều chuyên gia khác cho rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận tăng trưởng chậm hơn. Kể từ năm 2016, nước này đã tìm cách kiềm chế việc chính quyền địa phương vay mượn các khoản vay nằm ngoài bảng cân đối kế toán, hạn chế chế các tập đoàn tư nhân đang thâu tóm khách sạn và các tài sản lớn khác ở nước ngoài, đồng thời hạn chế cấp khoản vay mới cho các công ty phát triển bất động sản. Nhưng nỗ lực này không mang lại nhiều thành công trong việc “ghìm cương” sự gia tăng của nợ nần.
Ông Arthur Kroeber, đối tác sáng lập của công ty tư vấn nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định: “Chính sách của Trung Quốc sẽ tiếp tục nghiêng về giảm nợ ở bất cứ nơi nào có thể, ngay cả khi việc này khiến tăng trưởng giảm xuống”. Ông Kroeber ước tính rằng tốc độ tăng trưởng cơ bản của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 2% -4% trong thập kỷ tới, từ mức 6,2% trong thập kỷ qua và 10,6% trong thập kỷ trước đó.
“Cách duy nhất để giữ tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc ở mức cao là để nợ tiếp tục tăng. Nhưng có vẻ như các nhà hoạch định chính sách đang chọn con đường hạn chế nợ một cách chặt chẽ hơn”, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh Michael Pettis nhận định.
Người tiêu dùng, lực lượng mà Bắc Kinh đặt hy vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay, đã không còn vung tiền sau đợt bùng nổ chi tiêu ban đầu khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid vào cuối năm ngoái. Và mặc lãi suất thấp, nhiều người vay mua nhà đang gấp rút trả trước các khoản thế chấp của họ. Li Si, người đã mua căn hộ đầu tiên ở Zhongshan, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, vào năm 2019, cho biết cô quyết định trả hết nợ thế chấp sớm hơn thời hạn sau khi thua lỗ khi đầu tư vào các quỹ tương hỗ trong năm qua. Li nói rằng cô cảm thấy an toàn hơn khi giảm nợ nần.
“Nền kinh tế bây giờ không còn chắc chắn nữa. Nếu ngày mai tôi mất việc thì sao?” Li, 33 tuổi, làm việc trong ngành tài chính, nói với Wall Street Journal.
Ông Marko Papic, chiến lược gia trưởng của Clocktower Group – một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Santa Monica, California – lưu ý rằng nợ hộ gia đình tính theo tỷ lệ thu nhập khả dụng ở Trung Quốc đang sát mức 110%, tiến gần đến mức nợ của các hộ gia đình Mỹ trước khi xảy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. “Không có đợt cắt giảm lãi suất nào có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi họ cố gắng giảm nợ”, ông Papic nhấn mạnh.
Các doanh nhân Trung Quốc – với tâm trạng lo lắng khi Chính phủ nước này siết chặt kiểm soát đối với các lĩnh vực giáo dục và Internet – không muốn dấn thân vào rủi ro. Đầu tư tư nhân tăng 0,4% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng 5,5% trong cùng kỳ năm 2019.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, từng chi rất nhiều tiền để mua đất từ chính quyền địa phương, cũng đã cắt giảm đáng kể hoạt động này. Doanh số bán đất tại 300 thành phố đã giảm 26% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó – theo viện nghiên cứu bất động sản China Index Academy. Cũng theo tổ chức nghiên cứu này, hầu hết các nhà phát triển địa ốc tư nhân đang chọn trả nợ thay vì thực hiện các khoản đầu tư mới.
Về phần mình, các chính quyền địa phương gánh khối nợ hàng nghìn tỷ USD trong những năm gần đây và cần phải cắt giảm chi tiêu để tránh vỡ nợ. Theo ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, chính quyền địa phương và các phương tiện tài chính của họ đang gặp khó khăn trong việc hoàn trả số trái phiếu trị giá tương đương gần 7% GDP của Trung Quốc, một con số kỷ lục.