Theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Hài Thành kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng có trụ sở tại cụm công nghiệp Cầu Nghìn, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, doanh nghiệp vay ngân hàng với số tiền lớn hơn 25% vốn điều lệ và chiếm 50% các khoản vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, kế toán công ty rất băn khoăn vì quy định nêu rõ hai điều kiện khi kê khai giao dịch liên kết, đó là doanh nghiệp vay vốn với một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát góp vốn hoặc đầu tư. Cùng với đó, số tiền vay nhiều hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm 50% các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, kế toán này cho rằng ngân hàng không tham gia vào việc điều hành, hay bất kỳ hoạt động gì của công ty. Hơn nữa, chi phí lãi vay tăng cao năm vừa qua lại khiến doanh nghiệp thêm khó, vì quy định trần chi phí lãi vay 30% bó buộc.
BẤT HỢP LÝ KHI GOM CẢ NGÂN HÀNG VÀO QUẢN LÝ GIAO DỊCH LIÊN KẾT
Nhìn lại 7 năm áp dụng mức trần chi phí lãi vay, ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, kế toán và pháp lý, đánh giá qua các kỳ tính thuế, chính sách có tác dụng lớn trong việc việc sàng lọc các doanh nghiệp có sức khỏe yếu do “vốn mỏng, vốn ảo” của nền kinh tế.
“Quy định mức trần chi phí lãi vay cũng giúp ngăn chặn, dàn xếp giao dịch tài chính tinh vi, phức tạp, gây xói mòn nguồn thu thuế từ các giao dịch dàn xếp có chi phí lãi vay lớn trong kỳ tính thuế”.
Bên cạnh đó, quy định khống chế mức trần chi phí lãi vay được trừ cũng giúp Việt Nam tăng cường quản lý đối với các khoản vay nợ, các giao dịch tài chính và giúp môi trường thuế của Việt Nam ngày càng phù hợp với các thông lệ quốc tế, khi mức khuyến nghị chi phí lãi vay trần của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là từ 10 – 30% lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA).
Dù chính sách được ban hành mang lại nhiều tích cực nhưng ngay từ lần đầu tiên ban hành tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về quản lý giao dịch liên kết, quy định này vấp phải phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp.
Mãi đến năm 2020, Bộ Tài chính đồng ý sửa đổi quy định với ba điểm nhượng bộ tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 (Nghị định số 132), gồm: nâng mức trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép lũy kế 5 năm thay vì hết năm nào, tính năm đó và cho phép hồi tố lại kỳ tính thuế từ năm 2017, những phản ánh của doanh nghiệp mới tạm lắng xuống.
Thế nhưng gần đây, vướng mắc về trần chi phí lãi vay lại dấy lên khi lãi suất trên thị trường tăng vọt. Giới chuyên gia cho rằng trần chi phí lãi vay là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của ngành thuế. Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam bị loại chi phí lãi vay nhưng không hề có yếu tố chuyển giá, thậm chí không hề có yếu tố liên kết như trường hợp vay vốn ngân hàng.
Theo đó, một trong những vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định 132: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.
Như vậy, quy định này gom luôn cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay khiến chi phí lãi vay thường chiếm tỷ trọng lớn trong kết cấu chi phí.
Trong khi đó, Nghị định 132 quy định, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá mức 30% EBITDA của doanh nghiệp. Phần chi vượt quá tỷ lệ trên là chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sở dĩ doanh nghiệp phản ứng là do nợ ngân hàng thật, tiền phải trả cho ngân hàng thật, cả hai bên cũng không hề cố tình đẩy lãi suất lên để né thuế mà do lãi suất thực tế trên thị trường tăng mạnh. Hệ quả vô lý là khi doanh nghiệp thua lỗ lớn nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
QUY ĐỊNH TRIỂN KHAI 7 NĂM NHƯNG KẾ TOÁN VẪN MƠ HỒ
Theo ghi nhận của Bộ Tài chính, tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp cạn kiệt sau đại dịch, vì vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh của các doanh nghiệp là rất lớn.
Điều này khiến chi phí lãi vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết phát sinh chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp BOT thường vay ngân hàng đến 80% vốn, do đó khi doanh nghiệp BOT bị khống chế chi phí lãi thì ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế về những vướng mắc về quy định giao dịch liên kết như: Công ty Cổ phần BOT Đại Dương, Công ty Cổ phần BOT Phả Lại, Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng, Công ty TNHH Thủy sản Hai Nắm, Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545…
Bên cạnh vướng mắc vì trần chi phí lãi vay 30% với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể trên, nhiều kế toán cũng than thở rằng các khoản thu hộ, chi hộ cho bên liên kết như tiền điện, nước cũng phải kê khai giao dịch liên kết.
Kế toán doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi xác định doanh nghiệp của mình có quan hệ và giao dịch liên kết hay không và loay hoay trong việc xác định giá chuyển nhượng hàng hóa cho các bên có quan hệ liên kết. Vì vậy, mỗi khi kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến gần, nhiều doanh nghiệp chưa dám nộp báo cáo quyết toán vì kê khai giao dịch liên kết.
Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy sau gần 3 năm triển khai Nghị định số 132, qua thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ năm 2020 đến nay, cơ quan thuế đã xử lý 96.987,74 tỷ đồng.
Do nhiều kế toán còn khá mơ hồ về việc kê khai giao dịch liên kết nên thời gian qua cơ quan thuế bắt lỗi và truy thu tiền thuế rất nhiều.
Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy sau gần 3 năm triển khai Nghị định số 132, qua thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết từ năm 2020 đến nay, cơ quan thuế đã xử lý 96.987,74 tỷ đồng.
Trong đó, truy thu, truy hoàn và phạt 6.964,58 tỷ đồng; giảm khấu trừ 199,18 tỷ đồng; giảm lỗ 68.359,63 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 21.464,35 tỷ đồng.
Nhiều năm hỗ trợ, tư vấn thuế, kế toán cho hàng trăm doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Việt cũng nhận thấy 5 khó khăn với doanh nghiệp trong quá trình áp dụng Nghị định 132.
Một, các công ty chứng khoán có các giao dịch ký quỹ (cho vay margin) là hoạt động được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, bản chất tương tự như các hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán lại không phải là đối tượng không áp dụng của quy định về mức trần lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn trừ cho các đối tượng áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm). Điều này gây khó khăn trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Hai, khó khăn với các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con khi công ty mẹ đứng ra vay và cho công ty con vay lại, do các công ty con thường chưa đủ năng lực và uy tín để vay vốn từ các ngân hàng…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2023 phát hành ngày 18-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/khuc-mac-xung-quanh-quy-dinh-quan-ly-giao-dich-lien-ket.htm