Thông tin trên được ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế), chia sẻ tại Diễn đàn thuế – hải quan năm 2023, với chủ đề “Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 8/11.
NGÀNH THUẾ, HẢI QUAN TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Nhiều năm qua, Bộ Tài chính tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp minh bạch trong quản lý tài chính – ngân sách, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Những giải pháp về chuyển đổi số giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giúp người dân, doanh nghiệp. Kết quả chuyển đổi số ngành thuế và hải quan góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Nổi bật là ngành thuế triển khai ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS; hóa đơn điện tử; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế; ứng dụng AI trong phân tích chuỗi liên kết mua bán trên hóa đơn điện tử…
Chia sẻ thêm về những đổi mới trong công tác quản lý thuế nhờ ứng dụng công nghệ, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế, cho biết đầu tháng 11/2023, hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đến hệ thống tự động phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, dựa trên việc phân tích các dữ liệu thuế dựa trên các tiêu chí.
Hệ thống cũng có thể lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro, từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
“Hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đến hệ thống tự động phân loại. Với hồ sơ ở dạng hoàn trước, kiểm sau, hệ thống chỉ mất 2 – 3 phút để xử lý và cơ quan thuế làm thủ tục hoàn thuế. Với hồ sơ kiểm trước, hệ thống sẽ đưa ra các chỉ số, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ thuế mà chủ yếu dựa trên dữ liệu lịch sử của doanh nghiệp, nhờ đó, đối xử công bằng, minh bạch hơn với doanh nghiệp”.
Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế.
“Dữ liệu được phân tích tổng hợp từ dữ liệu hóa đơn, khai thuế, nộp thuế, nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính…. Nhờ đó, hỗ trợ cơ quan thuế phân loại nhanh các hồ sơ hoàn thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Toàn nhấn mạnh.
Theo thống kê từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT, tương ứng số thuế đề nghị hoàn trên 700.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước.
Với việc phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế tự động, việc hoàn thuế nhanh hơn, không để doanh nghiệp bị đứt gãy dòng tiền vì chậm hoàn thuế như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện cơ quan thuế tiếp nhận trên 10 triệu hoá đơn phát hành mỗi ngày trên cả nước, dự kiến con số này sẽ lên tới 30 – 50 triệu hoá đơn/ngày khi đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Như vậy, việc sử dụng công nghệ mới rất khó quản lý lượng hoá đơn khổng lồ nêu trên.
Do đó, cơ quan thuế sẽ tích cực áp dụng công nghệ trong quản lý thuế, điểm nhấn là sẽ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân AI trong việc truy vết, xác định chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo thông tin về mặt hàng trên dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ nắm trong tay chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo tiêu chí loại hàng hóa để xác định các trường hợp mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Ông Toàn dẫn chứng doanh nghiệp A xuất hoá đơn cho doanh nghiệp B, C, cơ quan quản lý sẽ biết được hoá đơn xuất đúng không, mua hàng thật không, từ đó, hệ thống phát cảnh báo sớm và giúp cơ quan thuế kiểm soát gian lận hoá đơn.
Đối với ngành hải quan, chuyển đổi số đã và đang giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 – 3 giây.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh dấu ấn lớn nhất với ngành thuế là triển khai hoá đơn điện tử với số lượng khổng lồ gần 6 tỷ hoá đơn dù mới triển khai hơn 1 năm. Số lượng người nộp thuế tham gia kê khai, hoàn thuế trực tuyến gia tăng mạnh mẽ. Với ngành hải quan là số hoá cấp độ 3, 4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
LẤY DỮ LIỆU LÀ NỀN TẢNG
Chia sẻ thêm về định hướng chuyển đổi số của ngành thuế trong giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Tổng cục Thuế, cho biết ngành thuế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.
“Ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế…”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành thuế sẽ triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Cụ thể, một, xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn.
Hai, mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; ba, chatbot hỗ trợ người nộp thuế thông qua trí thuệ nhân tạo, chat GPT…
Bốn, mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch. Năm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.
Với ngành hải quan, nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế quốc gia, để hỗ trợ cho thương mại số và thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết tiếp tục sẽ hiện đại hoá ở ba trụ cột: thể chế, công cụ và con người.
Về công cụ, ngành hải quan sẽ chú trọng phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai hải quan số, hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và hải quan số.
Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud)…