Tại tọa đàm “Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/7/2024, các chuyên gia đều đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và phù hợp.
Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế những sản phẩm không thiết yếu hoặc những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường. Các bằng chứng y khoa đều chỉ ra rằng đồ uống có cồn như rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục lộ trình tăng cường các biện pháp hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về tâm lý, hành vi người tiêu dùng; đánh giá tác động riêng biệt giữa hệ lụy của rượu và bia đối với sức khỏe cộng đồng để thiết kế chính sách phù hợp, đảm bảo lợi ích bền vững cho xã hội.
NGĂN NGUY CƠ BIẾN TƯỚNG HÀNH VI TIÊU DÙNG, SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI
Là chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, bà Đặng Thúy Hà, Chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giám đốc khu vực miền Bắc, NielsenIQ Việt Nam, cho biết sức khỏe và giá cả là 2 yếu tố được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi quyết định mua hàng. Sau gần 5 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn dẫn đến thu nhập của người dân giảm sút, vì vậy họ rất căn ke trong việc chi tiêu.
“Trong báo cáo gần đây của chúng tôi về Shoper Trend (xu hướng hành vi của người mua hàng – PV), có hơn 60% người tiêu dùng cho rằng tôi sẽ thay đổi hành vi khi cân nhắc đến giá. Khi giá tăng thì số lượng tiêu dùng có thể giảm. Tuy nhiên, giá tăng bao nhiêu để có thể giảm tiêu dùng là câu hỏi cần đặt ra và phải có nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa”, bà Hà nói.
Theo NielsenIQ Việt Nam, ngoài giá, hành vi tiêu dùng của người dân còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như văn hóa vùng, miền. “Khi chúng tôi hỏi người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh, trong lúc khó khăn, hành vi tiêu dùng của họ thay đổi như thế nào? Thì họ trả lời rằng sẽ sử dụng hàng hóa ở những phân khúc thấp hơn một chút nhưng số lượng vẫn đảm bảo. Ngược lại, người tiêu dùng ở Hà Nội thì nói rằng sẽ giảm số lượng đi một chút nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu. Ở hai thành phố thôi mà câu trả lời đã có sự khác biệt lớn rồi”, chuyên gia Đặng Thúy Hà nêu ví dụ.
Bà Hà cho rằng hành vi tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia chịu tác động lớn bởi văn hóa, thói quen chứ không đơn thuần là giá cả. “Khi chúng ta nhìn theo tháp nhu cầu của Mashlow sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ rượu, bia đang ở tầng nào. Ở tầng đầu tiên, nó là một đồ uống có cồn và đặc biệt bia là thức uống giải khát cho mùa hè. Đó là lý do vì sao mùa hè sản lượng tiêu thụ bia rất tốt. Ở tầng giữa thể hiện nhu cầu kết nối với nhau, giao lưu, tổ chức một sự kiện thì đây là thức uống giúp chia sẻ niềm vui. Ở tầng cao hơn, nhiều người khẳng định bản thân bằng việc dùng một loại rượu đắt tiền, có thương hiệu riêng. Như vậy, nhìn chi tiết thì người dân đều có nhu cầu đó và khó có thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày”, bà Hà phân tích.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia NielsenIQ Việt Nam, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đánh giá rượu, bia là sản phẩm tiêu dùng có mức độ co giãn với giá cả thấp.
“Một sản phẩm tiêu dùng mà co giãn cao so với giá cả thì khi tăng thuế lên, giá tăng lên, tiêu dùng sẽ giảm xuống. Ngược lại, sản phẩm không co giãn nhiều với giá thì khi tăng thuế chưa chắc đã làm giảm tiêu dùng. Đôi khi, việc tăng thuế còn tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong hành vi tiêu dùng như chuyển sang sử dụng sản phẩm trôi nổi, phẩm cấp thấp; khiến cho các nhà sản xuất, thương mại tìm cách trốn thuế…”, ông Cường phân tích.
Có nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế sẽ giúp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết theo lý thuyết đường cong Laffer, thuế tăng ở mức hợp lý đi kèm theo các công cụ quản lý phù hợp thì tăng được thu tăng ngân sách; nhưng nếu như tăng thuế quá cao thì sẽ làm thất thu ngân sách khi người dân trốn thuế, nợ thuế. Bên cạnh đó, người dân chuyển tiêu dùng từ sản phẩm chính thức, được đánh thuế sang sản phẩm không chính thức, không thể quản lý được thuế. Điều đó cũng khiến cho các doanh nghiệp sản xuất chính thức khó khăn hơn.
NGHỊCH LÝ: THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI RƯỢU THẤP HƠN BIA
Tại tọa đàm “Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn”, các chuyên gia chỉ ra một nghịch lý: dù nồng độ cồn của rượu cao hơn bia rất nhiều nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu lại thấp hơn bia.
Theo quy định hiện hành về thuế tiêu thụ đặc biệt; (i) rượu từ 20 độ trở lên: thuế suất 65%; rượu dưới 20 độ: thuế suất 35%; (ii) bia: thuế suất 65%.
Trong khi đó, độ cồn phổ biến của các sản phẩm bia sản xuất trong nước (không bao gồm bia thủ công) hiện nay là 4 – 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường độ cồn cũng ở mức 0,05 – 1,2%. Các sản phẩm bia thủ công có thể có 12% cồn nhưng lại đang có khoảng trống trong quản lý thuế ở nhóm này…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/kha-nang-dieu-tiet-tieu-dung-ruou-bia-thong-qua-thue-tieu-thu-dac-biet.htm