Để tạo tiền đề cho tăng trưởng cao và bền vững của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57); Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66) và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế (Nghị quyết 68).
Theo các chuyên gia, trong “bộ tứ chiến lược” nêu trên, có hai nghị quyết là Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện bước đi chiến lược mang tính đột phá về công nghệ và số hóa từ bộ máy quản lý đến vận hành của thị trường cũng như xoay trục một cách căn bản đối với kinh tế tư nhân. Để hiện thực hóa ý chí này, các nghị quyết trên đề cập đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần trợ lực theo hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực dựa trên năng lực thực chất của doanh nghiệp, không phân biệt quy mô, lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt, phải chú trọng đến các tiêu chí như khả năng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tạo giá trị gia tăng và dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa.
ĐO LƯỜNG MỨC ĐỘ ĐÓNG GÓP ĐỂ THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Nghị quyết 68 trực tiếp đưa ra các chủ trương hỗ trợ cho doanh nghiệp, hạt nhân chính đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch sâu sắc dưới tác động của công nghệ, địa chính trị và biến đổi cấu trúc chuỗi giá trị.
Chính phủ đã nhanh chóng ban hành kế hoạch hành động thông qua Nghị quyết 03/ NQ-CP và Nghị quyết 138/NQ-CP. Với Nghị quyết 138, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; ưu đãi trong tiếp cận nguồn lực đất đai; thành lập quỹ bảo lãnh của Chính phủ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn…với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
“Trong mô hình tăng trưởng từ phía cầu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều nâng tỷ trọng đầu tư lên gần 40–50% GDP, trong khi Việt Nam chỉ ở mức khoảng 28,5% GDP (năm 2023). Dù xuất khẩu tăng mạnh, nhưng phần lớn đến từ khu vực FDI, giá trị gia tăng nội địa thấp.
Năng suất thực sự là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong vài thập kỷ qua, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) lại tụt hậu rõ rệt”.
Trao đổi bên lề một hội thảo do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức cuối tháng 6/2025, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nhấn mạnh Chính phủ cần đặc biệt lưu ý đến chi phí tài khóa khi thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát triển công nghiệp.
TS.Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, khuyến nghị khi xây dựng chính sách, thay vì hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp (lớn hay nhỏ), Chính phủ nên dựa vào năng lực thực chất – tức là khả năng đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ và lan tỏa giá trị của doanh nghiệp đối với toàn bộ nền kinh tế. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 168 của Đảng, nhấn mạnh đến sự linh hoạt và có chọn lọc trong các biện pháp hỗ trợ.
“Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải tập trung tăng cường nội lực và khả năng tự cường của nền kinh tế. Đây là vấn đề then chốt trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta chứng kiến những biến động toàn cầu phức tạp”, Kinh tế trưởng của BIDV nhận định.
Theo TS.Cấn Văn Lực, để nâng cao tính chống chịu của nền kinh tế, cần ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp, ngành nghề có khả năng nâng tầm công nghệ và tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng, dẫn dắt được chuỗi cung ứng nội địa.
Ví dụ như trong ngành chế biến chế tạo, Chính phủ cần hỗ trợ nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ cốt lõi và đột phá để từng bước gia tăng nội lực, giảm phụ thuộc vào bên ngoài.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào các ngành công nghiệp, dịch vụ truyền thống. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trở thành nước có công nghiệp hiện đại cần một bước đệm. Trong giai đoạn “bước đệm” này, Chính phủ cần xác định được những doanh nghiệp có khả năng tạo ra giá trị và đóng góp thực chất cho mô hình tăng trưởng mới để hỗ trợ. Theo đó, cần ưu tiên doanh nghiệp tích hợp các yếu tố xanh, công nghệ số, công nghệ mới vào trong các ngành truyền thống cũng như có khả năng tái đầu tư vào các công nghệ đột phá – những lĩnh vực có thể mang lại bước nhảy vọt về năng lực đổi mới cho Việt Nam.
Thực tế cho thấy, lâu nay các bộ, ngành thường đưa ra con số là kinh tế số chiếm khoảng 10-11% GDP, thậm chí có thời điểm chiếm 15% GDP nhưng thực tế mức đầu tư trở lại cho công nghệ mới và các hoạt động đổi mới sáng tạo là rất hạn chế.
Vì vậy, kinh tế số của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào gia công phần cứng, tập trung ở các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Bắc Ninh, Bắc Giang, còn khả năng tạo ra giá trị lan tỏa từ công nghệ số sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế vẫn rất yếu.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay hệ thống đo lường mức độ đóng góp ngược trở lại của doanh nghiệp đối với nền kinh tế vẫn rất hạn chế. Chính phủ có thể triển khai các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên lại thiếu cơ chế đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn, cũng như mức độ đóng góp của doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi kinh tế.
Việc không theo dõi được dòng vốn được sử dụng ra sao, đầu tư vào đâu và tạo ra giá trị như thế nào đang là một điểm yếu lớn trong quản trị chính sách phát triển doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
ƯU TIÊN NGUỒN LỰC NÂNG CAO NĂNG SUẤT CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN
Ông Jochen Schmittmann cho rằng năng suất của khu vực doanh nghiệp tư nhân chính là yếu tố then chốt quyết định tương lai của Việt Nam.
“Từ lâu chúng tôi đã thể hiện mối quan ngại đáng kể về xu hướng năng suất tại Việt Nam. Vì vậy, khi nói đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho khu vực kinh tế tư nhân, tôi xin được hỏi: Tầm nhìn và đề xuất của ông/bà là gì để nâng cao năng suất trong khu vực tư nhân của Việt Nam?”, ông Jochen Schmittmann đặt vấn đề.
Đại diện thường trú của IMF nhấn mạnh năng suất thực sự là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Ông Jochen Schmittmann đánh giá dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong vài thập kỷ qua, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) lại tụt hậu rõ rệt.
“Mặc dù tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng phần lớn lại dựa vào các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Trong khi đó, TFP gần như không tăng trong suốt thập kỷ vừa qua. Điều tích cực là điều này mở ra dư địa lớn để cải thiện, Chính phủ chỉ cần đưa năng suất tiệm cận mức trung bình của các thị trường mới nổi thì đã có thể mang lại động lực tăng trưởng đáng kể cho Việt Nam”, ông Jochen Schmittmann khuyến nghị.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong mô hình tăng trưởng từ phía cung, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào vốn, trong khi TFP đóng góp rất hạn chế, cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp. Các nước Đông Á đã chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao TFP, trong khi Việt Nam vẫn tăng trưởng theo chiều rộng.
Các quốc gia Đông Á với xuất phát điểm là thiếu vốn, thị trường trong nước sức tiêu thụ yếu, dẫn đến phụ thuộc vào vốn nước ngoài và thị trường nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, Nhà nước với thể chế hiệu quả đã giúp các quốc gia từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc xác định các ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh và triển khai các chính sách công nghiệp hiệu quả, tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm này, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh thể chế hỗ trợ hiệu quả, tinh thần đồng lòng, quyết tâm từ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đã góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất, gia tăng đóng góp của TFP, hình thành một năng lực cạnh tranh tổng thể và bền vững của nền kinh tế
Đại diện thường trú của IMF nhấn mạnh rằng việc tăng năng suất ngày càng trở nên cấp thiết khi lợi thế dân số vàng của Việt Nam đang dần suy giảm. Khi tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động chậm lại, năng suất phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng. Ông Jochen Schmittmann gợi ý cách phân biệt chính sách hỗ trợ dọc và ngang giúp cải thiện năng suất cho khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.
Chính sách dọc là việc Chính phủ lựa chọn và hỗ trợ một số ngành hoặc doanh nghiệp cụ thể. Trong khi đó, chính sách ngang là các chính sách mang tính cấu trúc chung, như đầu tư hạ tầng, giáo dục, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp.
Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng chính sách ngang thường hiệu quả hơn, mang lại lợi ích tăng trưởng cao hơn.
“Do đó, chúng tôi thường khuyến nghị chính phủ nên tạo lập môi trường thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp thay vì cố gắng “chọn người chiến thắng”, Đại diện thường trú của IMF cho biết.
TS.Cấn Văn Lực cũng đồng tình với cách tiếp cận mà chuyên gia IMF đưa ra, bởi theo ông, trong quá khứ có thời điểm Việt Nam cố gắng xác định Nhà nước sẽ “làm ngành này, bỏ ngành kia”, nhưng thực tế cho thấy thị trường và doanh nghiệp mới là những chủ thể có đủ thông tin để quyết định nên sản xuất cái gì, ở đâu và như thế nào.
“Do đó, điều quan trọng là Chính phủ cần tạo lập thị trường và môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định để doanh nghiệp có thể định hướng hoạt động hiệu quả hơn”, TS.Cấn Văn Lực đề xuất.
Các chuyên gia chỉ ra bài học chính sách hỗ trợ không thể phát huy hiệu quả nếu không có hệ thống quản trị công tốt. Nếu chất lượng thể chế không đảm bảo, không có đội ngũ công chức chất lượng, cơ chế thực thi hiệu quả thì chính sách có thể làm lệch hướng nguồn lực khỏi các khu vực năng suất cao và gây tác động tiêu cực lên toàn nền kinh tế (….)
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-lua-chon-cach-tiep-can-hieu-qua.htm