Kết quả đàm phán này giúp giải tỏa mạnh mẽ mối lo ngại về thiệt hại do thương chiến gây ra, và do đó khiến nhu cầu nắm giữ những tài sản an toàn như đồng yên Nhật, đồng franc Thụy Sỹ và vàng giảm mạnh.
Sau hai ngày thảo luận cấp cao ở Geneva, Thụy Sỹ, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố một thỏa thuận giảm thuế quan trong vòng 90 ngay để tiếp tục đàm phán, tìm giải pháp cho các bất đồng thương mại. Theo thỏa thuận, thuế quan của Mỹ áp lên Trung Quốc sẽ giảm về 30% từ 145%, trong khi thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng Mỹ sẽ giảm về 10% từ 125%. Đây là một kết quả khả quan vượt xa mọi kỳ vọng trước đó của giới phân tích.
Đồng USD ngay lập tức tăng giá mạnh sau khi thỏa thuận được công bố. Lúc gần 9h tối nay theo giờ Việt Nam, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 1,14%, đạt 101,48 điểm – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Trước đó, có lúc chỉ số đạt gần 101,7 điểm, cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Trong số các đồng tiền mất giá so với USD, mức giảm mạnh nhất rơi vào các đồng tiền được coi là “hầm trú ẩn” an toàn. Đây đều là những đồng tiền tăng giá chóng mặt so với USD thời gian qua, khi thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh do những tin tức xấu về thuế quan.
Đồng USD có lúc tăng giá 1,9% so với yên Nhật, đạt 148,16 yên đổi 1 USD, và tăng 1,5% so với franc Thụy Sỹ, đạt 0,8443 franc đổi 1 USD.
Giám đốc nghiên cứu Arne Petimezas của công ty AFS Group nói với hãng tin Reuters: “Đây thực sự là một cú ‘quay xe’ 180 độ của Mỹ về thuế quan, gây ngạc nhiên lớn. Có vẻ như thuế quan đối với Trung Quốc sẽ giảm về mức trong tầm kiểm soát, dù chỉ là tạm thời. Thị trường sẽ tăng điểm nhờ tin này. Liệu ông Trump có tăng mạnh thuế quan trở lại sau 90 ngày? Ông ấy đã xuống thang nhanh hơn bất kỳ ai có thể nghĩ, và ngày 2/4 sẽ rơi vào quên lãng”.
Tuy nhiên, Dollar Index vẫn đang thấp hơn khoảng 2,3% so với vào thời điểm ngày 2/4 khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng.
“Điều kiện hiện tại của thị trường đang thuận lợi cho một sự điều chỉnh sâu hơn và một sự phục hồi mạnh mẽ hơn của đồng USD để đuổi kịp sự phục hồi của chứng khoán Mỹ và đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”, chiến lược gia cấp cao Kenneth Broux của ngân hàng Societe Generale nhận định.
Đồng euro cũng không nằm ngoài xu thế mất giá mạnh so với USD, có lúc giảm 1,3% còn 1 euro đổi 1,111 USD. Đây có khả năng sẽ là phiên giảm mạnh nhất của đồng tiền chung châu Âu từ đầu năm đến nay. Đồng bảng Anh giảm 1% còn 1 bảng đổi 1,318 USD.
“Đồng euro có thể giảm giá thêm đối với USD vì một số ngưỡng kỹ thuật chủ chốt đã bị phá vỡ”, ông Broux nói.
Các đồng đôla New Zealand và đôla Australia – được xem là một “thước đo” của tâm lý ham thích rủi ro – tăng tương ứng 0,5% và 0,3% so với USD, đạt 0,5879 USD và 0,639 USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 6 tháng so với USD, với hơn 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD.
“Dù việc xuống thang thương chiến mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế, thỏa thuận này có thể được coi là một thắng lợi lớn hơn cho Trung Quốc. Việc Mỹ giảm thuế quan cho hàng Trung quốc như vậy là đủ để cho phép sự trở lại của hoạt động thương mại gần như bình thường”, nhà kinh tế Lynn Song của ngân hàng ING nhận định.
Vàng – một “vịnh tránh bão” truyền thống cũng đang bị bán tháo. Lúc gần 9h tối theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm gần 84 USD/oz, tương đương giảm hơn 2,5%, còn hơn 3.240 USD/oz. Trước đó, có thời điểm giá vàng giảm gần 120 USD/oz, về sát mốc 3.200 USD/oz.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ cùng thời điểm, các chỉ số đồng loạt xanh rực ngay khi vừa mở cửa. Dow Jones tăng hơn 1.000 điểm, tương đương tăng 2,5%, S&P 500 tăng 2,9%, và Nasdaq tăng 4%.
Các điểm nóng căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng có vẻ “giảm nhiệt” vào cuối tuần vừa rồi, khiến tâm lý ham thích rủi ro càng tăng thêm.
Ấn Độ và Pakistan đã công bố một thỏa thuận ngừng bắn sau 4 ngày giao tranh gây lo ngại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Năm tuần này để đàm phán. Cuộc gặp này sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước kể từ thời gian đầu của xung đột vũ trang nổ ra vào năm 2022.
Tuần này, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các tin tức thương mại, địa chính trị và các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Trong đó, đáng chú ý nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Số liệu này được coi là dấu hiệu về tác động của thuế quan đối với kinh tế Mỹ, từ đó có thể làm dịch chuyển kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư hiện đang giảm bớt kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất vì triển vọng kinh tế được cải thiện sau khi Mỹ – Trung đạt thỏa thuận thương mại. Phản ánh sự thay đổi kỳ vọng như vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vượt mức 4,44% từ mức 4,38% của phiên trước.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ham-tru-an-that-the-yen-nhat-franc-thuy-sy-va-vang-bi-ban-thao-sau-khi-my-trung-dat-thoa-thuan.htm