Ngày 6/9/2023, diễn ra Diễn đàn thường niên Hải quan – doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá” do Tạp chí Hải quan và các đơn vị liên quan trong ngành tổ chức.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sau các cú sốc suy thoái kinh tế của thế giới, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, 3 năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động từ hậu quả của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn tiếp diễn và xung đột vũ trang Nga – Ukraine tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Bởi vậy, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn và chịu nhiều sức ép rất lớn. Trước tình hình đó, ngành hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, ngành hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, “đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023, với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.
Dựa trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, lực lượng chức năng giảm được 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó, giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan
“Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ giảm đến 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Rõ ràng, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, đại diện ngành hải quan cho biết.
Một chương trình khác được triển khai nhiều năm là “Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên về hải quan”, với nhiều hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
Đặc biệt đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về doanh nghiệp ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.
Theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.
Trước đó, từ năm 2022, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định về việc triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Thời điểm công bố vào tháng 9/2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Đáng quan ngại, có đến gần 90% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.
Trong năm 2023, chương trình được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
“Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình)”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Do đó, cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng phải tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Sau 1 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải qua, có 213 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên của chương trình tại 34 cục hải quan các tỉnh, thành phố.
Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tăng hạng về tuân thủ pháp luật hải quan. Chẳng hạn, tại Cục Hải quan Đồng Tháp, trước khi tham gia chương trình, hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc tuân thủ pháp luật xếp hạng 4 nhưng sau gần 1 năm tham gia chương trình, đến tháng 6/2023, doanh nghiệp được nâng hạng khi hệ thống thông tin ngành hải quan ghi nhận đánh giá tuân thủ xếp hạng 3…
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)