Thế bế tắc ở Quốc hội Mỹ xung quanh vấn đề nâng trần nợ đang đẩy nước này tới bờ vực của vụ vỡ nợ chính phủ lần đầu tiên trong lịch sử, và cho dù Washington không vỡ nợ, tình trạng này cũng có thể gây sứt mẻ đối với định hạng tín nhiệm đang ở mức hoàn hảo của Mỹ – tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo ngày 24/5.
Theo tin từ hãng CNN, Fitch đã đặt định hạng tín nhiệm mức cao nhất của Mỹ vào trạng thái “theo dõi tiêu cực” (negative watch), một động thái phản ánh những bấp bênh xung quanh cuộc đàm phán trần nợ và nguy cơ xảy ra vỡ nợ.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà làm luật của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đàm phán để nâng trần nợ quốc gia từ mức 34,1 nghìn tỷ USD hiện nay. Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy – một nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hoà – đã có cuộc gặp tiếp theo, nhưng cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được một đột phá nào.
Fitch nói rằng việc không đạt một thoả thuận để nâng hoặc đình chỉ trần nợ trước “ngày X” sẽ bị xem là “một tín hiệu tiêu cực về năng lực quản trị và sự sẵn sàng của Mỹ trong việc tuân thủ các nghĩa vụ nợ một cách đúng thời hạn”, theo đó điểm tín nhiệm AAA sẽ không còn phù hợp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo mốc thời gian sớm nhất mà Chính phủ có thể mất khả năng thanh toán hoá đơn là vào ngày 1/6. Đó sẽ là vụ vỡ nợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ và có thể gây ra những hậu quả tồi tệ đối với cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Fitch là một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới, bên cạnh Moody’s Investors Service và Standard & Poor’s. Trong một báo cáo ra ngày 24/5, Firch phát tín hiệu có thể hạ điểm tín nhiệm của Mỹ nếu các nghị sỹ nước này không đạt thoả thuận nâng trần nợ một cách kịp thời.
“ Trạng thái ‘theo dõi tiêu cực’ phản ánh sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn đang gây cản trở việc đạt một thoả thuận để nâng hoặc đình chỉ trần nợ, cho dù đang đến rất gần ‘ngày X’ (ngày mà Bộ Tài chính Mỹ hết tiền mặt và không còn các biện pháp bất thường để thực hiện các nghĩa vụ chi trả nếu không được vay thêm tiền)”, báo cáo của Fitch viết.
Dù vậy, tổ chức này vẫn bày tỏ tin tưởng rằng các nhà làm luật sẽ thông qua được một dự luật nâng trần nợ trước “ngày X”.
Vào năm 2011, cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ đã khiến nước này bị hạ điểm tín nhiệm lần đầu tiên trong lịch sử, và đó là động thái của Standard & Poor’s giảm định hạng của Mỹ từ mức AAA hoàn hảo xuống còn AA+. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng Standard & Poor’s đến nay vẫn chưa khôi phục mức điểm tín nhiệm đó cho Mỹ.
Theo giới chuyên gia, một vụ vỡ nợ của Mỹ có thể gây rúng động khắp nền kinh tế toàn cầu, thậm chí đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái. Riêng đối với Mỹ, vỡ nợ sẽ đồng nghĩa với lãi suất đi vay tăng vọt đối với cả Chính phủ và người dân, đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá nhiều nghìn tỷ USD sẽ biến động mạnh.
Fitch nói rằng việc không đạt một thoả thuận để nâng hoặc đình chỉ trần nợ trước “ngày X” sẽ bị xem là “một tín hiệu tiêu cực về năng lực quản trị và sự sẵn sàng của Mỹ trong việc tuân thủ các nghĩa vụ nợ một cách đúng thời hạn”, theo đó điểm tín nhiệm AAA sẽ không còn phù hợp.
Fitch dự báo Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chi nhiều hơn thu, dẫn tới thâm hụt ngân sách tương đương 6,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2023 và 6,9% GDP trong năm 2024.
Trong số 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn, Moody’s cũng đang dành cho Mỹ định hạng cao nhất là Aaa. Standard & Poor’s dành cho Mỹ định hạng cao thứ nhì của tổ chức này là AA+.