Tại sự kiện thường niên “Ngày thẻ Việt Nam 2023” mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), nhấn mạnh đến sự thay đổi nhanh chóng của thói quen thanh toán hiện nay. Nếu như trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ, chỉ thấy ở siêu thị lớn, thì ngày nay có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng đang trở thành xu hướng mạnh mẽ.
Tính đến tháng 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKyc đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai). Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
“Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ, theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, truyền thông giáo dục tài chính là một trong những cột trụ quan trọng, “bẩy được những hòn đá tảng” để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong tiếp cận dịch vụ tài chính nói chung và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Qua đó, giúp người dân hiểu đúng, hành động đúng, góp phần thực hiện hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ.
Ngày thẻ Việt Nam 2023 đã quy tụ 25 ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, tổ chức thẻ quốc tế và hơn 100 gian hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong nhiều ngành nghề gồm ẩm thực, giáo dục, mua sắm. Đây là sự kiện thường niên hướng tới giới trẻ được các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức.
Ngoài những “ông lớn” về công nghệ ngân hàng như: 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn, Sacombank, MB, Techcombank, VPBank, TPBank thì gần đây, một số ngân hàng quy mô trung bình đã có sự chuyển dịch về hướng công nghệ theo cách “đi tắt đón đầu”. Đơn cử, ABBank mang tới cho giới trẻ trải nghiệm ứng dụng Ngân hàng số ABDitizen với đa dạng các tiện ích. Ở ứng dụng này cho phép với mỗi tài khoản thanh toán mở mới trên ứng dụng Ngân hàng số AB Ditizen qua luồng eKYC, khách hàng sẽ nhận được các ưu đãi hấp dẫn.
Đại diện ABBANK chia sẻ: “Việc sử dụng ngân hàng số trong mua sắm và thanh toán không còn xa lạ với một bộ phận người trẻ. Nhưng để thu hút một tập khách hàng rộng lớn hơn, biến hành động này trở nên phổ biến như một thói quen của toàn thị trường thì bên cạnh việc phải liên tục nâng cấp ứng dụng, đem đến nhiều tính năng tiện ích và có tính cá nhân hóa cao cho người dùng, các ngân hàng còn cần phải xây dựng mạng lưới đối tác liên kết rộng khắp để phá bỏ các giới hạn trong thanh toán và chi tiêu trên không gian số.”
Tính đến thời điểm hiện nay, trên không gian công nghệ thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng đã và đang triển khai những công nghệ mới nhất như: thanh toán contactless, mã QR, công nghệ NFC, Digital bank, công nghệ eKYC (công nghệ định danh trực tuyến).