Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo ngại rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gây ra một sự đứt gãy nào đó trong nền kinh tế nước này.
Sau khi ba ngân hàng của Mỹ sụp đổ chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một cuộc khủng hoảng tài chính nữa có sắp bùng nổ?
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Silicon Valley Bank (SVB) – một ngân hàng chuyên cho vay đối với các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ – đổ vỡ sau khi bị khách hàng ồ ạt rút tiền. Tiếp đó, vào ngày Chủ nhật, nhà chức trách bang New York vội vã tiếp quản ngân hàng tiền ảo khổng lồ Signature Bank để ngăn chặn rủi ro hệ thống trong bối cảnh niềm tin giảm sút. Vào hôm thứ Tư, một ngân hàng tiền ảo lớn khác là Silvergate Capital cũng tuyên bố đóng cửa.
Vụ SVB và Signature lần lượt là các vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử ở Mỹ, sau vụ “sập tiệm” Washington Mutual vào năm 2008. Những diễn biến này thổi bùng nỗi sợ hãi rằng lãi suất tăng nhanh cuối cùng đã bắt đầu gây ra những hệ quả to lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ và thậm chí xa hơn nữa.
Giới đầu tư và giao dịch ở Phố Wall đang đồn đoán về những gì có thể xảy ra tiếp theo đối với những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lớn, và liệu vấn đề này có làm Fed “chùn tay” tới mức tạm dừng hoặc dừng hẳn việc tăng lãi suất sau một năm liên tục thắt chặt để chống lại sự leo thang của lạm phát.
NỖI LO VỀ TIỀN GỬI NGOÀI DIỆN BẢO HIỂM
“Tôi cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các ngân hàng đã quá tự mãn và hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng của mình”, CEO Frederic Russell của Fredric E. Russell Investment Management Co. nhận định trên Wall Street Journal.
Vào ngày Chủ nhật, cuộc khủng hoảng leo thang, nhưng cũng đồng thời xuất hiện những tia hy vọng về sự bình ổn. Dù có thêm ngân hàng thứ ba đổ vỡ trong vòng 1 tuần là Signature, Chính phủ Mỹ đã công bố một loạt biện pháp nhằm bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng vừa lâm vào cảnh sụp đổ và tăng cường thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Hôm thứ Năm, khách hàng của SVB rút tổng cộng 42 tỷ USD tiền gửi, khiến số dư tài khoản của ngân hàng này bị âm 958 triệu USD – theo dữ liệu từ Sở Bảo vệ và sáng tạo tài chính California. Mới hôm thứ Tư, một cáo bạch của SVB cho thấy lượng tiền gửi 169 tỷ USD và gần 180 tỷ USD thanh khoản sẵn có để phòng ngừa trường hợp bị rút vốn ào ạt.
Hiện nay, các ngân hàng ở Mỹ, nhất là các ngân hàng lớn, có mức vốn tốt hơn nhiều so với ở thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng vấn đề mà một số ngân hàng khu vực (regional bank) đang gặp phải có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
Sức ép lên thị trường tài chính gia tăng sau khi Circle Internet Financial Ltd., công ty phát hành đồng tiền ảo stablecoin USD Coin (USDC), tiết lộ có 3,3 tỷ USD tiền gửi ở SVB. Thông tin này khiến đồng USDC không giữ được neo buộc tỷ giá 1 USDC đổi 1 USD, giảm xuống mức thấp kỷ lục 1 USDC chỉ đổi dưới 0,87 USD. Việc USDC đứt neo tỷ giá được xem như một diễn biến tương tự hồi khủng hoảng tài chính 2008, khi chứng chỉ quỹ được coi như tiền mặt một quỹ thị trường tiền tệ bị bán tháo sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.
Tuy nhiên, nỗ lực trấn an của nhà chức trách Mỹ đã đưa giá USDC hồi lên mức hơn 0,95 USD vào sáng nay (13/3) theo giờ Việt Nam.
Luật bảo hiểm tiền gửi của Mỹ quy định Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) chỉ đảm bảo cho các khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống. Như vậy, những khách hàng có tiền gửi trên ngưỡng này sẽ được nhận chứng chỉ cho số dư tiền gửi vượt mức bảo hiểm – FDIC cho hay. Điều này có nghĩa là người gửi tiền sẽ không sớm nhận lại được số tiền gửi vượt ngưỡng bảo hiểm đó.
“Câu hỏi lớn là liệu FDIC và Fed có bảo lãnh được cho toàn bộ tiền gửi hay không, hay chí ít là gần như toàn bộ. Nếu giải pháp của liên bang dành cho SVB không được thực thi tốt, rủi ro sẽ lan nhanh trong hệ thống một khi người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ”, Giám đốc đầu tư Bob Elliott của Unlimited nói với Wall Street Journal.
Theo công bố thông tin của SVB, ở thời điểm cuối năm ngoái, ngân hàng này có khoảng 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm. Số liệu của FDIC cho thấy có tới 89% trong số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB thuộc diện không được bảo hiểm vào cuối năm 2022. Một ngân hàng khu vực lớn khác là First Republic Bank có khoảng 120 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm, và Signature Bank – ngân hàng tiền ảo vừa bị nhà chức trách tiếp quản vào ngày Chủ nhật – có khoảng 80 tỷ USD tiền gửi như vậy.
CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG RÚNG ĐỘNG
Vụ sụp đổ SVB không chỉ ảnh hưởng đến người gửi tiền và nhà đầu tư, mà còn cả các khách hàng khác của nhà băng này. Các công ty được SVB cấp vốn trong suốt nhiều năm qua giờ đây bị đặt vào tình thế rủi ro hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, cổ phiếu công ty lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời tại nhà Sunrun giảm 12% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Nền tảng truyền nội dung trực tuyến Roku cho biết có 487 triệu USD trong tổng số 1,9 tỷ USD tiền mặt gửi ở SVB. Trong một tuyên bố, Roku cho biết không rõ có thể lấy lại được bao nhiêu trong số này.
Chuyên gia kinh tế nói rằng có những khác biệt lớn trong cuộc khủng hoảng này của ngành ngân hàng Mỹ, nếu so với khủng hoảng tài chính 2008.
SVB gặp rắc rối một phần bởi đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản được đảm bảo. Các tài sản này đã mất giá mạnh khi Fed nâng lãi suất. Tuy nhiên, các tài sản như vậy về cơ bản được đảm bảo hồi vốn đầy đủ khi đáo hạn, khác với các công cụ tín dụng phức tạp gắn với các khoản nợ dưới chuẩn – nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính cách đây 15 năm.
Thay vì tháo chạy khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ, nhà đầu tư đã mua mạnh tài sản này trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vì cho rằng biến động trong hệ thống ngân hàng có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế và rốt cục dẫn tới mức lãi suất thấp hơn. Do giá trái phiếu tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có ngày tăng mạnh thứ ba trong 1 thập kỷ trở lại đây – theo dữ liệu từ Tradeweb.
Cuộc khủng hoảng SVB khiến nhà đầu tư phân tâm khỏi mối lo trước đó của họ về cuộc chiến chống lạm phát đã kéo dài 1 năm của Fed. Đầu tuần trước, toàn bộ tâm trí của giới đầu tư hướng tới triển vọng lãi suất Fed và cuộc điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư trước Quốc hội Mỹ. Cuối ngày thứ Tư, ngân hàng tiền ảo Silvergate Capital tuyên bố tự nguyện đóng cửa, và SVB cho biết cần huy động vốn khẩn cấp.
Ngay lập tức, nhà đầu tư gần như “quên bẵng” chuyện lãi suất và trở nên bất an với việc các ngân hàng khác cũng có thể “sập tiệm” một cách bất ngờ như vậy. Chỉ số KBW Nasdaq Bank Index đo giá cổ phiếu ngân hàng giảm 16% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ khi Covid trở thành đại dịch vào tháng 3/2020.
Trong đó, bị bán mạnh nhất là cổ phiếu của những ngân hàng có sổ sách cho vay liên quan nhiều đến những tài sản có độ rủi ro cao hơn như vay thế chấp nhà, hoặc những ngân hàng có lực lượng khách hàng thiên về rút tiền. Giới đầu tư lo ngại rằng việc Fed thắt chặt sẽ dẫn tới tình trạng “chảy máu” trong lĩnh vực bất động sản, trong đó các danh mục đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tăng lãi suất. Nhiều cổ phiếu ngân hàng như First Republic, Signature, Wester Alliance Bancorp và PacWest Bancorp đã có lúc bị tạm ngưng giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu.
Cú giảm 23% của cổ phiếu Signature trong phiên ngày thứ Sáu đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi chào sàn. Cổ phiếu Signature và First Republic cùng có tuần mất giá tồi tệ nhất từ trước đến nay – theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data. Loạt cổ phiếu ngân hàng Citizen Financial Group, Comerica, Fifth Third Bancorp, Zions Bancorp và Charles Schwab Corp. đều giảm hơn 15% trong tuần trước.
VỤ SVB SẼ KHIẾN FED SỚM CHUYỂN SANG NỚI LỎNG?
Trong suốt 1 năm qua, Fed tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, nhưng những sự kiện trong tuần vừa rồi khiến giới chức của ngân hàng trung ương này phải nghĩ đến một sứ mệnh cốt lõi khác: ổn định tài chính. Loạt số liệu kinh tế tính đến ngày thứ Năm tuần vừa rồi cho thấy Fed có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21-22/3 và tiếp tục thắt chặt cho tới năm 2024. Tuy nhiên, đến ngày thứ Sáu, các nhà giao dịch đã dịch chuyển đặt cược của họ theo hướng cho rằng đỉnh lãi suất sẽ thấp hơn và Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất tỏng năm nay.
Một số nhà đầu tư đã ngạc nhiên khi chứng kiến SVB đột ngột chuyển từ huy động thêm vốn vào hôm thứ Tư sang sụp đổ hoàn toàn vào hôm thứ Sáu. Ngoài ra, một khía cạnh khiến giới đầu tư và chuyên gia sửng sốt về vụ này là họ không tin rằng SVB có thể đổ vỡ.
Theo dữ liệu của FactSet, một cuộc khảo sát 22 nhà phân tích cho thấy giá mục tiêu mà họ đặt ra cho cổ phiếu của SVB là 262 USD/cổ phiếu. SVB đóng cửa ở mức hơn 106 USD/cổ phiếu trong phiên ngày thứ Năm, trước khi ngân hàng này được nhà chức trách tiếp quản vào buổi sáng ngày thứ Sáu.