Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ đi ngược lại kỳ vọng của nhà đầu tư, tăng lãi suất thêm ít nhất 0,25 điểm phần trăm nữa – theo kết quả một cuộc khảo sát các học giả kinh tế hàng đầu được tờ Financial Times thực hiện.
Trong cuộc khảo sát này, hơn 40% số nhà kinh tế được hỏi cho biết họ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa hoặc hơn từ mức 5,25-5,5% hiện nay – mức lãi suất cao nhất của Fed trong 22 năm. Dự báo này trái ngược hoàn toàn với những gì mà thị trường tài chính toàn cầu đang kỳ vọng. Các nhà giao dịch tin rằng chính sách tiền tệ của Fed hiện đã đủ thắt chặt để đưa lạm phát về tầm kiểm soát, để Fed có thể giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay và phần lớn thời gian của năm tới.
Cuộc khảo sát này – được tiến hành tại Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago – nói lên một điều rằng việc giải quyết triệt để áp lực giá cả và đưa lạm phát về mức 2% sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn so với những gì thị trường hiện đang kỳ vọng.
“Một số tín hiệu mà chúng tôi nhận thấy từ nền kinh tế là chính sách tiền tệ vẫn chưa đủ thắt chặt”, giáo sư kinh tế Julie Smith của trường Lafayette College phát biểu, nhấn mạnh rằng những khu vực có mức độ nhạy cảm cao với lãi suất trong nền kinh tế Mỹ như bất động sản vẫn “mạnh đến mức gây bất ngờ” sau một thời gian suy yếu vì lãi suất tăng. “Có vẻ như người tiêu dùng vẫn chưa giảm chi tiêu tới mức đủ để khiến nền kinh tế giảm tốc. Tôi nghĩ đó thực sự là một vấn đề”.
Trong số 40 nhà kinh tế học tham gia cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 13-15/9, có khoảng 90% tin là Fed vẫn còn việc phải làm. Gần một nửa dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh ở mức 5,5-5,75%, đồng nghĩa lãi suất sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm nữa. 35% khác dự báo Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên mức đỉnh là 5,75-6%. Một tỷ lệ nhỏ hơn, là 8%, dự báo lãi suất sẽ vượt 6%.
Cũng trong cuộc khảo sát này, một tỷ lệ áp đảo các nhà kinh tế học dự báo rằng một khi lãi suất đạt đỉnh, Fed sẽ giữ lãi suất ở mức đó trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng 60% cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sau chu kỳ thắt chặt này sẽ diễn ra sớm nhất là vào quý 3/2024. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với tỷ lệ đưa ra dự báo như vậy trong cuộc khảo sát hồi tháng 9 – lần gần đây nhất cuộc khảo sát này của Financial Times được thực hiện.
Kết quả cuộc khảo sát vừa rồi được công bố chỉ vài ngày trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 9. Thị trường tài chính đang đặt cược gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 19-20/9.
Chiến dịch chống lạm phát mà Fed khởi động vào tháng 3/2022 là đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh nhất của ngân hàng trung ương này trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nhờ đó, áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đã giảm xuống và thị trường lao động dịu đi. Dù vậy, nhiều nhà kinh tế học được khảo sát vẫn lo ngại rằng đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh và lạm phát là một vấn đề khó giải quyết triệt để trong thời gian sớm.
Giáo sư Gordon Hanson thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard, nói: “Cũng giống như trước đây người ta lo lắng vì Fed chậm chạp trong việc chống lạm phát, giờ đây người ta không muốn Fed chuyển sang nới lỏng quá sớm”.
So với cuộc khảo sát hồi tháng 6, các chuyên gia trong lần khảo sát này tăng gấp đôi mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian còn lại của năm 2023 lên trung bình 2%. Tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay được dự báo ở mức 4%, trong khi chỉ số giá tiêu dung cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng – được dự báo giảm về 3,8%, từ mức 4,2% của tháng 7.
Dự báo cho cuối năm 2024, chỉ có khoảng 1/3 số nhà kinh tế học được khảo sát cho rằng lạm phát lõi sẽ thấp hơn mức 3%. Phần đông cho rằng lạm phát lõi ở thời điểm đó còn ở mức 3% trở lên. Theo các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát, việc nguồn cung dầu bị siết chặt là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng lạm phát.
Giáo sư Christiane Baumeister của Đại học Notre-Dame là một trong những chuyên gia cảm thấy lo ngại sau khi Saudi Arabia và Nga mới đây ra quyết định gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm, thay vì chỉ đến hết tháng 10 như dự báo trước đó. Bà Baumeister dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng, có thể đẩy cao kỳ vọng lạm phát và làm chậm lại đà giảm của lạm phát lõi nếu các công ty đẩy chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể bù đắp cho áp lực lạm phát này, vì tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc được dự báo sẽ kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm theo trong những tháng sắp tới. Ngoài ra, những trở ngại ở Mỹ – bao gồm việc trả nợ của sinh viên vay tiền ăn học được nối lại, và rủi ro khủng hoảng trần nợ công của nước này lại nổi lên – có thể tiếp tục gây sức ép giảm lên nhu cầu.
Nhà kinh tế học Kalemli-Ozcan thuộc Đại học Maryland – một thành viên ban cố vấn kinh tế của Fed chi nhánh New York – là một trong số phần đông các nhà kinh tế học được khảo sát cho rằng lãi suất trung tính – mức lãi suất không gây áp lực hay kích thích đối với tăng trưởng kinh tế – hiện tại cao hơn so với trước kia. Điều này sẽ đẩy lùi thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024 – theo vị chuyên gia.
“Dù có cảm giác lãi suất trung tính là cao hơn, chúng tôi không biết chắc chắn con số cụ thể bây giờ là bao nhiêu”, bà Kalemli-Ozcan nói.
Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng từ cuộc khảo sát này là các nhà kinh tế học đã trở nên lạc quan hơn về khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế – kết quả mà ở đó Fed giảm được lạm phát nhưng không khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh, trong đó thị trường việc làm không sụt giảm.
Hơn 40% nhà kinh tế được khảo sát dự báo Fed có khả đưa được lạm phát về mục tiêu 2% mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp vượt mức 5%. Khi được hỏi về thời điểm mà kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, nhiều nhà kinh tế trong lần khảo sát này lùi thời điểm dự báo mà họ đã đưa ra trước đó.