Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế…; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng có trình độ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại”.
Thực hiện quyết định trên, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến nay hơn 95% các ngân hàng đã có chiến lược chuyển đổi số, với một số ngân hàng có tới 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực có năng lực số trong ngành này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
KHAN HIẾM NGUỒN NHÂN LỰC SỐ
Theo cập nhật từ một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng thuộc top đầu thị trường, hiện có khoảng 2.500 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Trong đó, Vietcombank đang có nhu cầu tuyển dụng 274 chỉ tiêu nhân sự từ nay đến cuối năm ở các vị trí chuyên viên khách hàng, kế toán, giao dịch viên, nhân sự, công nghệ thông tin, nhân viên ngân quỹ, hỗ trợ kinh doanh. Ngân hàng ACB cũng đang tìm kiếm 500 nhân sự có kinh nghiệm cho các chức danh giám đốc và chuyên viên trong lĩnh vực quan hệ khách hàng, doanh nghiệp, cá nhân. Nhiều ngân hàng khác đang có nhu cầu tuyển dụng mạnh nhân sự công nghệ như: kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình viên, kiểm thử…
Dù vậy, theo đánh giá từ khối quản trị nhân lực ở một số ngân hàng, việc tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số là vấn đề nan giải của nhiều ngân hàng hiện nay. Trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực số trong nước, nhiều ngân hàng phải tổ chức chiến dịch vươn ra tìm kiếm nhân tài gốc Việt tại Singapore, Úc, Anh…
Theo bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng lớn Navigos Search, ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động nên có nhu cầu rất lớn về nhân sự cho quá trình chuyển đổi số. Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khiến nhiều nhà băng ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện, những nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như: AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối)… Đây là nhóm nhân lực đang được săn đón tại Việt Nam nhưng nguồn cung không dồi dào.
Đánh giá của Navigos Search cũng cho thấy những vị trí nghiệp vụ như chuyên gia dữ liệu, kỹ sư tài chính hay lập trình viên được các ngân hàng tìm kiếm nhiều nhất, có mức lương cao nhưng thiếu hụt nguồn cung. Trong khi công tác đào tạo nội bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu, chất lượng nhân lực tuyển mới tuy có trình độ nhưng phải đào tạo thêm mới làm được việc.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC ĐANG LÃNG PHÍ NHÂN LỰC SỐ
Ngành ngân hàng không chỉ khát nhân lực có kỹ năng số mà chính đội ngũ đang làm việc hiện tại chưa tối ưu phát triển kỹ năng này trong công việc. Nhận xét về kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu vừa công bố, PGS.TS. Đặng Thị Huyền Anh, Phó Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng, cho rằng dù với các vị trí chuyên môn và công việc khác nhau tại ngân hàng, tỷ lệ áp dụng năng lực số vào công việc là rất cao, với 96,2% người được hỏi đã áp dụng năng lực số. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết thì chỉ có 19,4% người được khảo sát cho rằng họ thường xuyên sử dụng năng lực số, trong khi 60,4% sử dụng nhưng không thường xuyên và 16,4% ít sử dụng năng lực số. Điều này cho thấy mặc dù ngành ngân hàng có những bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ, nhưng việc sử dụng và phát triển kỹ năng số trong công việc vẫn chưa thực sự đồng đều và hiệu quả.
Theo TS. Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Học viện Ngân hàng, phát triển nguồn nhân lực luôn là yếu tố cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành ngân hàng đang tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối. Những công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng. Song hành với sự phát triển của công nghệ ngân hàng là những yêu cầu về lực lượng nhân sự được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng số.
Các chuyên gia nhân lực nhận định sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra những điều kiện mới cho xã hội tri thức, trong đó năng lực số là yếu tố quan trọng để người lao động có thể học tập và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng đang khó khăn trong việc xây dựng khung năng lực số chung cho toàn ngành, điều này dẫn tới khó khăn và thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cũng như xác định các tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng.
“Có 19,4% người được khảo sát cho rằng họ thường xuyên sử dụng năng lực số, trong khi 60,4% sử dụng nhưng không thường xuyên và 16,4% ít sử dụng năng lực số. Điều này cho thấy mặc dù ngành ngân hàng có những bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ, nhưng việc sử dụng và phát triển kỹ năng số trong công việc vẫn chưa thực sự đồng đều và hiệu quả”.
Thực tế những khó khăn này không chỉ riêng ngành ngân hàng. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 là 52,4 triệu người, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 68,9%. Trong đó, có tới 84% người Việt Nam được khảo sát cho rằng họ cần có một khung kỹ năng để định hướng cho sự phát triển năng lực Công nghiệp 4.0. Điều này cho thấy nhu cầu về phát triển kỹ năng số đang ngày càng trở nên cấp bách và là yếu tố then chốt để ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể tiến xa trong thời đại số hóa.
Theo định nghĩa của Hội đồng Liên minh châu Âu, năng lực kỹ thuật số là khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) một cách tự tin. Bên cạnh đó là tư duy phản biện, sáng tạo để đạt được các mục tiêu liên quan đến việc làm, khả năng được tuyển dụng, học tập, giải trí, hòa nhập và tham gia vào các hoạt động xã hội. Năng lực kỹ thuật số bao gồm: khả năng sử dụng máy tính để tìm, phân tích, lưu, tạo, hiển thị, trao đổi thông tin, cũng như để tương tác và làm việc cùng nhau trong các mạng thông qua Internet.
Các chuyên gia cho rằng, việc đánh giá năng lực số của nhân viên là một phần quan trọng của quá trình quản lý nhân sự trong ngành ngân hàng, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Một khung đánh giá năng lực số chính xác, hiệu quả sẽ giúp cho các nhà quản lý nhân sự đánh giá được năng lực số của nhân viên, phát hiện những điểm mạnh yếu của họ và đưa ra những quyết định quan trọng như định hướng nghề nghiệp, thăng tiến hay giảm thời gian làm việc.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC SỐ
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này. Đơn cử như ban hành khung năng lực, khung chương trình cho các lĩnh vực chuyên môn chính; khung năng lực, khung chương trình đào tạo lãnh đạo, quản lý; tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng liên quan ứng dụng công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành ngân hàng. Gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa năng lực số cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
“Hiện chúng tôi tập trung phát triển nguồn nhân lực bằng cách liên kết, hỗ trợ các trường đại học trong nước, các dự án vườn ươm khởi nghiệp… để tuyển chọn và bồi dưỡng nhân sự trẻ có triển vọng.
Đồng thời, có nhiều chính sách để giữ chân người tài trong bối cảnh thị trường lao động có trình độ công nghệ đang cạnh tranh khốc liệt.”
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách phát triển năng lực số cần được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ, từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đánh giá đến việc cấp chứng chỉ và công nhận kết quả học tập.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong ngành ngân hàng, gắn với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ngân hàng cần đầu tư vào trang thiết bị và tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kỹ năng số cho cán bộ nhân viên. Đồng thời, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội cọ xát với các sản phẩm số và ứng dụng số.
Thứ ba, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số cho người lao động để tận dụng thế mạnh của công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng số, đặc biệt ưu tiên các đối tượng yếu thế và người lao động ở vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống chứng chỉ kỹ năng số quốc gia, được công nhận rộng rãi, để tạo động lực cho người lao động học tập và nâng cao trình độ kỹ năng số.
Thứ tư, cần tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích người lao động tự học và phát triển kỹ năng số. Các chương trình hỗ trợ, các cuộc thi sáng tạo công nghệ và các diễn đàn chia sẻ kiến thức sẽ là động lực để người lao động phát huy tối đa tiềm năng của mình. Bằng cách đầu tư vào phát triển nhân lực số, Việt Nam không chỉ tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng số cao mà còn xây dựng một xã hội số năng động, sáng tạo và phát triển bền vững.
Thứ năm, các trường đại học, cao đẳng cần có chương trình đào tạo phù hợp với sinh viên trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, các trường có ngành, chuyên ngành đào tạo về tài chính, ngân hàng cần có sự cập nhật và thay đổi để đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi sinh viên ra trường. Đồng thời, phải tăng cường liên kết với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho các sinh viên được thường xuyên thực tập và trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp các sinh viên hạn chế những bỡ ngỡ và sớm bắt nhịp với công việc khi ra trường.
Dưới góc độ của doanh nghiệp chuyên “săn đầu người”, bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc Navigos Search khu vực miền Nam, đề xuất để đẩy nhanh tốc độ đào tạo nội bộ, các ngân hàng cần có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao năng lực bản thân để thích ứng với công nghệ mới, kỹ năng số. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện môi trường làm việc cũng như điều chỉnh các gói lương, thưởng và phúc lợi.
Theo ước tính của chuyên gia, đến năm 2035, khoảng 15% tổng số việc làm ở Việt Nam sẽ được tự động hóa và có tới 38,1% việc làm hiện tại của Việt Nam có thể được chuyển đổi hoặc di dời do tác động của tự động hóa vào năm 2045. Do đó, nếu người lao động không được đào tạo kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số, thì một tỷ lệ đáng kể lao động Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới chỉ ra nền kinh tế Việt Nam sẽ mất khoảng 2 triệu việc làm vào năm 2045 nếu không có giải pháp lấp đầy khoảng chênh lệch cung – cầu về nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/giai-toa-con-khat-nhan-luc-so-cua-nganh-ngan-hang.htm