Theo đó, thay vì chỉ cung cấp sản phẩm riêng lẻ theo nhu cầu của khách hàng theo từng giai đoạn, OCB tập trung cung cấp, đưa ra tư vấn các giải pháp tài chính toàn diện phù hợp với mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp. Với kỳ vọng, ngân hàng sẽ hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp start-up trong hành trình phát triển bền vững.
Cụ thể, với nền tảng công nghệ hiện đại, được đầu tư từ rất sớm, OCB đã đưa ra những dịch vụ thanh toán số hiện đại cho phép doanh nghiệp quản lý các khoản phải thu hoàn toàn tự động, nhanh chóng và truy xuất dữ liệu theo thời gian thực thông qua việc kết nối thanh toán cho nhiều doanh nghiệp đa lĩnh vực như giáo dục, logistic, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Từ những thuận lợi trên, hiện tại OCB đang đẩy rất mạnh về Open Banking nói chung và Open API nói riêng. Với hơn 150 API sẵn sàng tích hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều ngành nghề khác nhau với hiệu suất xử lý mạnh mẽ: trung bình hơn 2 triệu giao dịch/tháng kể từ đầu năm 2024; tổng giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2024 ghi nhận hơn 18 nghìn tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công tác vận hành đơn giản hơn và tăng hiệu quả xử lý công việc.
Đầu quý 4/2024, OCB cũng đã thực hiện ký kết hợp tác toàn diện với Quỹ đầu tư Genesia Ventures và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF), thể hiện quyết tâm đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ nhóm doanh nghiệp start-up và SME của ngân hàng.
Bên cạnh đó, OCB đã tung ra thị trường sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm đối với doanh nghiệp start-up với hạn mức vay đến 3 tỷ đồng trong thời gian tối đa 12 tháng, phục vụ cho nhu cầu bổ sung vốn lưu động, tài trợ thương mại, phát hành bảo lãnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ chính của công ty. Đây được xem là bước tiến quan trọng và thể hiện sự nỗ lực của OCB cho mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Việc hợp tác với Quỹ SMEDF cũng mang đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vượt trội với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 1,2% – 4,4%/năm dành cho các doanh nghiệp SME trong các lĩnh vực then chốt như khởi nghiệp sáng tạo, cụm liên kết ngành và chuỗi cung ứng giá trị.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 173,2 nghìn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có hơn 15,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp OCB cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp SME, start-up phải rời khỏi thị trường là do lựa chọn mô hình kinh doanh chưa đúng. Đa số họ sẽ tập trung giải quyết một vấn đề của thị trường hoặc cung cấp một giải pháp, sản phẩm mà công ty cho rằng có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Điều này sẽ có tỷ lệ thất bại cực kỳ cao. Ngoài ra, còn đến từ rủi ro khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào một người đứng đầu, không đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực lõi hay chưa thích ứng và theo kịp về khoa học – công nghệ. Năng lực quản lý tài chính, đặc biệt là quản lý dòng tiền còn hạn chế.
Do vậy, thông qua việc hợp tác với ngân hàng với các giải pháp tài chính phù hợp, doanh nghiệp không chỉ được cung ứng nguồn vốn ưu đãi, kịp thời, mà còn nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp về quản lý, chiến lược kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng sinh lợi dài hạn, đây có thể là chìa khóa giúp đơn vị phát triển ổn định và tăng trưởng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/giai-phap-tai-chinh-tron-goi-danh-cho-doanh-nghiep-sme-va-start-up.htm