Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Mỹ công bố báo cáo cho thấy lạm phát tháng 10 giảm nhanh hơn so với dự kiến. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (15/11) có nơi tăng nơi giảm, chênh lệch với giá quốc tế rút ngắn còn dưới 13 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tăng phổ biến 200.000 đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,6 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 58,8 triệu đồng/lượng và 59,8 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,6 triệu đồng/lượng và 70,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.964,2 USD/oz, tăng 0,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại Mỹ – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương gần 57,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 12,5-12,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 13 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá vàng nhẫn đang cao hơn quốc tế 1,9 triệu đồng/lượng.
Phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay tăng 16,9 USD/oz, tương đương tăng 0,87%, chốt ở mức 1.963,7 USD/oz.
Động lực cho phiên phục hồi này của giá vàng quốc tế là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ với những con số yếu hơn dự báo.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI – thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi nhất – đi ngang trong tháng 10 so với tháng 9, thay vì tăng 0,1% như dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần tháng 10 tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,7% ghi nhận trong tháng 9, và từ mức đỉnh của 41 năm là 9,1% thiết lập vào mùa hè năm ngoái.
CPI lõi, chỉ số không bao gồm thực phẩm và năng lượng, cũng thấp hơn so với dự báo vì tăng với tốc độ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 2 năm và giảm từ mức tăng 4,1% của tháng 9.
Những số liệu trên đẩy cao lạc quan của thị trường rằng Fed đã có thể dừng hẳn chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ đã triển khai từ tháng 3/2022 để chống lạm phát.
Kỳ vọng lãi suất như vậy cũng khiến chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 1,4%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất 1 năm. Với cú giảm này, chỉ số sụt xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, chốt phiên ở mức hơn 104,2 điểm.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt về mức 4,5%, từ mức hơn 4,6% của phiên trước. Hồi tháng 10, lợi suất của kỳ hạn này vượt 5% lần đầu tiên sau 16 năm.
Kỳ vọng lãi suất giảm, tỷ giá USD giảm, và lợi suất trái phiếu giảm đều là những yếu tố có lợi cho giá vàng – tài sản được định giá bằng USD và không mang lãi suất.
“Số liệu CPI yếu hơn nhiều so với dự báo, và điều này rất có lợi cho giá kim loại quý. Chúng tôi dự báo các số liệu kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu trong quý 4, qua đó làm đồng USD giảm giá và hỗ trợ cho giá vàng”, chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định với hãng tin Reuters.
“Trong 6 tháng tới đây, giá vàng có thể vượt mốc 2.100 USD/oz”, ông Ghali nói.
Sau báo cáo CPI, giới đầu tư chờ một báo cáo lạm phát khác của Mỹ là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.
Phản ánh xu hướng giảm gần đây của tỷ giá USD trên thị trường quốc tế, Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.080 đồng (mua vào) và 24.450 đồng (bán ra), giảm 90 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua. 3 ngày trở lại đây, giá USD tại ngân hàng này giảm 20 đồng, sau khi giảm 220 đồng trong tuần trước.